Tổng vụ trưởng Khoáng sản và Than, Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia, Syukhtar mới đây cho biết chính phủ nước này đã đặt mục tiêu đạt sản lượng 400 triệu tấn than năm 2014, giảm so với mức 421 triệu tấn khai thác được năm 2013.
Ông Syukhtar nói rằng việc giảm sản lượng than mục tiêu được đưa ra trên cơ sở chủ trương phát triển ngành của chính phủ, theo đó sẽ tăng doanh thu nhờ tăng giá trị gia tăng của sản phẩm chứ không phải dựa vào tăng sản lượng.
Khai thác than ở Indonesia. (Nguồn: Asian-power.com)
Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia đã lập kế hoạch tăng cường sự giám sát đối với hoạt động khai thác và phân phối than, đồng thời khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm phái sinh liên quan của ngành.
Theo thống kê, tiêu thụ than trong nước của Indonesia ở mức 72 triệu tấn năm 2013 và con số này được dự báo sẽ tăng lên 95,5 triệu tấn năm 2014. Cũng trong năm 2013, ngành than và khoáng sản đã đóng góp 33.100 tỷ rupiah tiền thuế vào thu ngân sách nhà nước, tăng 38% so với năm trước đó.
Quan chức trên nói rằng quyết định cấm xuất khẩu khoáng sản thô của chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2014 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thương mại của ngành và tác động tiêu cực đến lĩnh vực việc làm.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirjawan hồi cuối năm 2013 từng khuyến cáo rằng với việc thực thi Luật mới về khoáng sản và than, xuất khẩu năm 2014 của nước này sẽ giảm, do khoảng sản thô chiếm tới 62% tổng lượng xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng việc cấm xuất khẩu khoáng sản thô là cần thiết để buộc các nhà sản xuất trong nước tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đồng thời giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai. Trước mắt, thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng, song về lâu dài, sự phát triển của sản xuất trong nước sẽ đem lại nhiều cơ hội việc làm mới, với thu nhập cao hơn.
Trong một động thái liên quan, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri, chia sẻ rằng việc cấm xuất khẩu khoáng sản thô sẽ ảnh hưởng đến cán cân thương mại, song nó sẽ là động lực thúc đẩy ngành chế biến khoáng sản trong nước phát triển, và kim ngạch xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến 4,9 tỷ USD hiện nay của Indonesia có thể sẽ tăng lên 9 tỷ USD vào năm 2015. Hơn nữa mức thâm hụt thương mại do quy định mới gây ra cũng sẽ không lớn, vì nó đồng thời nó cũng giúp giảm bớt lượng dầu khí nhập khẩu.
Ông Chatib Basri cho biết chính sách nhiên liệu sinh học của Chính phủ Indonesia đã giúp ngân sách nhà nước nước tiết kiệm được 200 triệu USD nhập khẩu trong năm 2013, và chính sách này nếu được thực hiện đầy đủ trong năm 2014 có thể sẽ giúp nâng con số tiết kiệm lên tới 4 tỷ USD./.
Việt Tú/Jakarta
(Vietnam+)
Bình luận (0)