Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Indonesia: Nghề giáo lên ngôi

Tạp Chí Giáo Dục

Là giáo viên, bạn phải vì tình yêu chứ không vì giải pháp kinh tế

Binky Paramitha Iskandar, 25 tuổi, luôn muốn trở thành một giáo viên từ nhỏ. Vì vậy, không giống như các bạn của mình, những người thường chọn lựa các công ty để làm sau khi tốt nghiệp, Binky quyết định chạy theo trái tim là trở thành giáo viên một trường tư ở Serphong, Tangerang.
Ra trường năm 2007, sau khi giảng dạy một năm, Binky tiếp tục học lên cao học để lấy bằng thạc sĩ. Hiện Binky đang làm việc với vai trò giáo viên và nhân viên tư vấn tại một trường ở miền Nam Jakarta. “Tôi có một tình yêu đơn giản là được dạy cho những đứa trẻ”, Binky nói.
Tại Indonesia, từ lâu, giáo viên luôn phải sống nhờ các chính sách tài trợ mà hiếm khi có được sự tôn trọng như các chính trị gia hay là doanh nhân. Còn hiện tại, nghề giáo quan trọng hơn bao giờ hết. Họ là người sẽ đào tạo ra các thế hệ phục vụ cho sự đổi thay của đất nước, với những thách thức và một tương lai ngày càng cạnh tranh và toàn cầu hóa. Nhưng Arum Puspitarini, 22 tuổi, nói rằng có rất ít người trẻ mong muốn trở thành giáo viên. Điều này là do một nhận thức phổ biến, đã ăn sâu trong ý niệm người dân là nghề giáo không thể kiếm được một mức lương khá và công việc cũng không có tương lai. Dù vậy, bản thân Arum không ngừng theo đuổi ước mơ đứng trên bục giảng. Cô nói: “Tôi cảm thấy rất hài lòng khi chia sẻ kiến thức với các em”. Làm việc cho một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, Arum giảng dạy cho học sinh về sự nguy hiểm của hành vi bắt nạt. Cô cũng tham gia vào chương trình xây dựng tính cách cho học sinh tiểu học. Trong tương lai, Arum lập kế hoạch trở thành một giáo viên toàn thời gian tại một trường công lập.
Còn Yunita Fransisca, 22 tuổi, đầu tháng này vừa đặt chân đến một ngôi làng hẻo lánh, xa xôi ở đông Kalimantan. Đây là một phần của chương trình giáo viên trẻ tình nguyện công tác khắp nơi trên đất nước. Yunita cho hay, cô cảm thấy rất nhẹ nhàng và thật vui khi nhận được sự ủng hộ của gia đình. “Họ nói tôi còn trẻ, vì thế tôi cần sự trải nghiệm và quan sát thế giới”, cô nói. Động lực để Yunita tham gia vào chương trình là bởi cô nghĩ rằng Indonesia có thể phát huy được đầy đủ các thế mạnh tiềm năng khi nền giáo dục được cải thiện. Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà đất nước phải đối mặt, là học sinh vùng sâu luôn thiếu các kỹ năng về tiếng Anh và công nghệ. “Chính phủ nên cải thiện hai vấn đề trọng tâm này để có một nền giáo dục tốt hơn”, Yunita nói. Hệ thống giáo dục của một đất nước sẽ không bao giờ được cải thiện khi nào Chính phủ còn thờ ơ đối với giáo dục vùng sâu.
Ranny Kartabrata, một giáo viên trẻ tại nam Jakarta cũng có tình yêu đặc biệt đối với nghề giảng dạy. Cô tin rằng giáo viên giỏi không chỉ là người chuyển giao kiến thức cho học sinh mà còn cố gắng xây dựng tính cách, để chúng trở nên hoàn thiện. “Và đó là những giáo viên mà tôi muốn học”, Ranny khẳng định.
Thời còn là học sinh, Ranny nhận thấy nhiều giáo viên chỉ tập trung quan tâm đến việc học sinh có ghi nhớ hết kiến thức, và thật khó khăn để có một cuộc thảo luận hai chiều giữa học viên với thầy giáo của mình. Còn hiện tại, khi đã là giáo viên, Ranny muốn tạo ra sự khác biệt. “Thật thú vị khi nghe tất cả các ý kiến, các câu hỏi từ học sinh”, Ranny nói. Cô cũng cho biết mỗi ngày mình đều học được một cái gì đó từ các học sinh. Cô xem công việc dạy học như một loại thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn mình.
Ranny nói có nhiều bạn trẻ yêu nghề giáo, nhưng họ lại không mấy mặn mà để trở thành giáo viên là bởi đồng lương không tương xứng với những giá trị họ tạo được. Vì vậy, theo Ranny, để nâng cao nền giáo dục có chất lượng cạnh tranh cho Indonesia, Chính phủ cần có những chính sách tiền lương phù hợp, nhất là chú ý hơn nữa đến đời sống giáo viên vùng sâu, làng mạc hay các thành phố nhỏ. Chính phủ không nên dừng lại ở những lời hứa hẹn, sáo rỗng. “Dù vậy, bạn hãy xem kiếm tiền là ưu tiên thứ hai của mình nếu bạn có một tình yêu giảng dạy. Hãy lắng nghe tiếng nói của trái tim mình”, Ranny nhấn mạnh.
(Theo Jakartaglobe.com)
Ngân Du

Bình luận (0)