Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

INDONESIA: Quy định mới cho các trường quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tại các trường quốc tế Indonesia sẽ học thêm chương trình của quốc gia

Nhằm tránh tình trạng nhiều học sinh quên đi nguồn gốc của mình, Chính phủ Indonesia vừa ban hành một quy định mới. Theo đó, học sinh tại các trường quốc tế sẽ được giảng dạy một số chương trình đào tạo của quốc gia.
Chương trình quốc gia cho trường quốc tế
Nguồn tin từ Chính phủ cho biết, theo quy định mới – các trường học quốc tế tại Indonesia sẽ phải sửa đổi chương trình giảng dạy để đảm bảo cho học sinh của mình được theo học các lớp tìm hiểu về lịch sử, văn hóa cũng như đất nước và con người Indonesia. Điều đó có nghĩa là các trường quốc tế phải sử dụng đồng thời cả chương trình đào tạo của quốc gia thay vì chỉ giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế. Họ sẽ có tất cả 4 năm để điều chỉnh chương trình của mình sao cho phù hợp với yêu cầu của Chính phủ. Rachman Arief – một chuyên gia giáo dục thuộc Đại học Jakarta tỏ ra vui mừng và ủng hộ với quyết định trên. Theo ông, việc đào tạo và giảng dạy của nhà trường chỉ được xem là thành công nếu các học sinh có được một lượng kiến thức sâu rộng – hay đúng hơn là sự am tường về đất nước, quê hương mình. Hơn nữa, vấn đề công dân và ngôn ngữ của Indonesia phải là hai nội dung cần được xem trọng, Arief nói: “Ít nhất học sinh của chúng ta phải biết về tổ tiên của mình”.
Để chi tiết hơn về quy định, ông Suyanto, Giám đốc bộ phận quản lý hệ thống trường tiểu học và trung học cho biết, ngoài tiếng Anh, học sinh tại các trường quốc tế sẽ có các giờ học bằng tiếng Bahasa – vốn là ngôn ngữ chính của Indonesia – đồng thời phải được học về các vấn đề dân tộc. Ông nói: “Chính vì vậy, học tập tại các trường quốc tế – các em cần phải vượt qua một kỳ thi theo chương trình giảng dạy của quốc gia – mới có đủ điều kiện để có thể tốt nghiệp trường quốc tế”. Trong khi đó phía các trường quốc tế, hầu hết đều không quan trọng hay đòi hỏi học sinh phải thi qua chương trình đào tạo của quốc gia bởi vì họ tin rằng – đa số các học sinh sau đó đều lập kế hoạch cho việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài.
Nhiều phụ huynh thất vọng
Chính phủ tin rằng việc đặt ra quy định nói trên chính là cách bảo vệ giới trẻ Indonesia tốt nhất, để các em không quên đi “gốc rễ” của mình trước khi hội nhập vào thế giới.
Phản ứng trước quy định này, nhiều phụ huynh cho hay họ cảm thấy thất vọng với lý do – đây sẽ là một gánh nặng và áp lực cho con cái của họ. Bà Inggriany Alpons, phụ huynh của em Keenen – một học sinh lớp 4 Trường Quốc tế Indonesia nói rằng con trai bà hẳn phải dung nạp một lượng kiến thức gấp đôi cho hai kỳ thi thuộc hai chương trình quốc gia và quốc tế. Bà nói: “Những đứa trẻ này đã được học tập theo một chương trình quốc tế. Nay chúng sẽ phải học song hành một chương trình khác nữa với một cách giảng dạy hoàn toàn khác cho một kỳ thi cũng khác”.
Tuy không vừa ý với quy định này bởi việc học tập rồi sẽ trở nên quá tải đối với con trai mình, song “đó là quy định của Chính phủ, dù muốn hay không tôi cũng phải thực hiện”, bà Alpons khẳng định. Nhiều phụ huynh khác cũng vậy, mặc dù bày tỏ sự lo ngại nhưng họ vẫn quyết định cho con mình tiếp tục theo học tại các trường quốc tế bất kể những quy định nào của Chính phủ. Còn các trường quốc tế cũng cho hay họ đã sẵn sàng thực hiện quy định này. Ông A.Singh, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Gandhi Memorial nói rằng nhà trường đã chuẩn bị tất cả cho việc điều chỉnh chương trình giảng dạy. Tuy nhiên ông nói thêm: “Đã là trường quốc tế thì phải có những đặc tính, bản sắc riêng của quốc tế!”. Ông A.Singh giải thích rằng vì học sinh tại các trường quốc tế thường có sự đa dạng về xuất thân, dòng tộc, thậm chí nhiều em đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau nên các em cần phải nhận được một nền giáo dục mang tính toàn cầu, rộng khắp chứ không phải là nền giáo dục trong phạm vi một đất nước như các trường địa phương cung cấp.
(Theo Jakartaglobe.com)
Ngân Du

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)