Một lớp học ở Indonesia (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
|
Hiện nay Indonesia là quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới, do đó nước này cũng có nhiều trường Hồi giáo (THG) nhất. THG được gọi là Pesantren hay Madrasa.
Các THG ở Indonesia bằng các hành động của mình để chứng tỏ rằng khủng bố không phải là chủ trương của Hồi giáo, bọn khủng bố không đại diện cho Hồi giáo, và Hồi giáo chính thống cũng giáo dục, khuyên răn con người làm việc tốt, việc thiện, sống hòa hợp với mọi người trong tinh thần bác ái.
Tuy nhiên, một số người thực hiện những vụ khủng bố dã man đều có học ở các THG. Ông Choirul Fuad Yusuf, Giám đốc các trường và khu nội trú Hồi giáo thuộc Bộ Lễ nghi Indonesia, công nhận: “Các THG bị mang tiếng xấu thực sự, bao nhiêu căm giận đều trút lên đầu các trường này”.
Theo Bộ Lễ nghi Indonesia, hiện nước này có 21.521 THG với 3.818.469 người học – còn gọi là “santris” – cả nam lẫn nữ. Nội dung giảng dạy của các THG không giống nhau: một số trường giảng dạy tầm quan trọng của tinh thần hòa hợp xã hội và tính bao dung tôn giáo, một số trường thì truyền bá ý thức hệ chính trị đến từ Trung Đông, như là các wahhabites (chủ thuyết nhằm mục đích đưa đạo Hồi về nguồn gốc trong sáng ban đầu của nó), những thầy Hồi giáo (tổ chức liên Hồi)…
Theo ông Choirul Fuad Yusuf, Chính phủ Indonesia cố gắng khuyến cáo rằng THG không phải là nơi chỉ giảng dạy đạo Hồi, mà còn là tổ chức giúp phát triển xã hội và là một nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư địa phương. Nhiều THG đã thực hiện được điều đó, như Trường Al-Ittifaq ở Babakan Jampang (gần Bandung) khuyến khích những dân làng bên cạnh trồng và buôn bán nhiều loại rau. Masdar Farid Mas’udi, người lãnh đạo Nahdlatul Ulama (một trong hai tổ chức quan trọng nhất của Hồi giáo Indonesia có truyền thống khổ hạnh) giải thích rằng điều đó từ lâu đã làm cho các THG tham gia vào sự phát triển của kinh tế – xã hội. Ông giải thích: “Trên thực tế, đa số THG được thành lập chính là nhằm mục đích khuyến khích những hoạt động kinh tế của những cộng đồng địa phương”. Masdar Farid Mas’udi cũng là người lãnh đạo THG Unggul Al-Bayan ở Sukabumi (Tây Java). Phong trào này đã bắt đầu từ 30 năm nay, trong khi Chính phủ và những tổ chức phi chính phủ (ONG) tung ra nhiều dạng hợp tác xã nông thôn. Ông nói: “Các chương trình phát triển đó chỉ sử dụng những THG như là người phát ngôn hay chỗ tựa lấy đà mà thôi”.
Một số nhà lãnh đạo THG (còn gọi là kiais) đã quyết định lập ra những hợp tác xã nhằm mục đích phát triển cuộc sống kinh tế của các cộng đồng địa phương bằng cách dựa hẳn vào các THG. Theo đó, các THG tự xác định mục tiêu, phương hướng, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện. Các THG này không hoạt động theo một chỉ thị, chương trình nào của Chính phủ, mà chỉ dựa vào những quyền được quy định bởi Luật Hồi giáo. Họ cũng không phụ thuộc gì vào sự đóng góp, tài trợ từ bên ngoài mà dựa vào trách nhiệm duy nhất của các THG trên tư cách là trung tâm tôn giáo. Họ là những tổ chức tự trị. Ông Masdar Farid Mas’udi giải thích: “Chúng tôi hy vọng rằng những sáng kiến về kinh tế xã hội sẽ trở thành ưu tiên của các THG”. Cũng theo ông Mas’udi, việc điều hành các THG đã thay đổi sâu xa khi Chính phủ can thiệp vào lĩnh vực giáo dục, với những hậu quả có thể thấy ngay từ những năm 1980. Phí học tập bỗng nhiên trở nên rất cao, và để đối phó lại, các THG chỉ còn biết quay lại tìm nguồn tài trợ từ Chính phủ. Nhưng số đông các THG không muốn bị phụ thuộc và học cách sống tự túc bằng cách phát triển kinh tế xã hội của những cộng đồng láng giềng. Ví dụ, THG Sidogiri ở Pasuruan (Đông Java) có ít nhất không dưới 10 xí nghiệp nhỏ, hiệu sách đến studio ảnh, một cơ sở sản xuất nước khoáng có nhãn hiệu Santri, một nhà in… Còn THG Qamarul trên đảo Lombok mở ra những chiến dịch về môi trường bằng cách khuyến khích các cộng đồng địa phương trồng cây trong sân nhà. Họ cũng góp phần với Nhà nước trồng lại 200 hecta rừng bị tàn phá, bỏ hoang trong chiến dịch cứu rừng. Những hoạt động thiết thực đó của các THG đã góp phần xóa bỏ thành kiến đối với đạo Hồi.
Các THG ở Indonesia muốn chứng minh rằng đạo Hồi chân chính, cũng như mọi đạo giáo khác (Ki tô giáo, Phật giáo…) đều cùng chung một lý tưởng cao cả là phục vụ con người, giáo dục con người lòng bác ái, bao dung, hỷ xả. Đạo nào cũng có một nền tảng chung là đạo làm người.
(Theo Courrier international)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)