Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Internet về làng – Kỳ cuối: Game, chat, bỏ học và phạm pháp

Tạp Chí Giáo Dục

Nhộn nhịp vào net ở một xã ven biển của tỉnh Bình Định – Ảnh: Phi Long
Internet mang đến cho giới trẻ một kho tri thức vô tận nhưng cũng kèm theo những hệ lụy khi một bộ phận giới trẻ nông thôn chỉ biết chat, game online và xao nhãng việc học việc làm.

Đức, học sinh lớp 6 Trường THCS Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) vốn là học trò ngoan, bỗng dưng vào tháng 4-2008 nghỉ học suốt 21 ngày đi theo bạn “sống trong thế giới ảo”.

Từ bỏ học…

Nghe tin con bị cấm thi học kỳ II, vợ chồng ông Huỳnh Vuông choáng váng, chấp nhận cho con ở lại lớp một năm, đưa con về nhà “cai nghiện game online”. “Suốt thời gian nghỉ hè, vợ chồng tôi cứ sống trong sợ hãi. Nhiều đêm cứ nghĩ sợ con nghiện net rồi sinh ra trộm cắp, nghe theo bạn bè rủ rê dính vào nghiện ngập ma túy thì nguy. Càng khuyên bảo con thì nó càng lén lút đi chơi game, những lúc cầm roi đánh con mà lòng mình đau nhói” – ông Vuông tâm sự.

Đầu tháng 5-2009, Đức lại tiếp tục nghỉ học vì lậm game online. Ông Vuông đã từ bỏ công việc với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng ở Bình Phước cấp tốc hồi hương. Giờ ông bốc vác trái cây tại chợ rau quả Gò Quán (TP Quảng Ngãi) với mức lương chỉ 1,5 triệu đồng/tháng. Ông Vuông nói: “Thôi chịu khó nghèo cũng được, miễn sao con cái ham học kiếm cái chữ hơn là ham chơi game online, đánh mất tương lai của nó là tôi mừng lắm rồi”.

Suốt ba năm qua, sáng nào cũng vậy, bà Năm (63 tuổi) ở thị trấn La Hà (huyện Tư Nghĩa) cần mẫn đạp xe đến trước cổng trường để xem Kiệt – cháu nội của bà – vào lớp học. Đến giờ ra chơi, bà lại đạp xe đến trước cổng trường để theo dõi thằng cháu có vào tiệm Internet nào không.

Bà Năm than phiền: “Tuổi già, sức yếu rồi nhưng vì sự học của cháu tui phải chịu khó thôi. Tui không biết In-tờ-nét là gì mà lũ trẻ ngày nay lại ham chơi đến vậy. Để cháu dần từ bỏ các trò chơi này, tui đã nghĩ cách dùng những phần thưởng nho nhỏ như đôi dép mới, cặp sách, áo đi mưa… khuyến khích cháu học hành”.

Ông Đỗ Văn Đức, chủ tiệm Internet Như Ngọc ở thôn Long Bàng, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, kể: “Tôi mở tiệm đã hai năm qua, ít thấy tụi trẻ vào mạng cập nhật thông tin, toàn thấy chơi. Nhiều học sinh bỏ học vào chơi game, ba mẹ tới đánh con tại tiệm. Nhiều lúc tôi định đóng cửa vì ảnh hưởng chuyện học của con em ở đây nhiều quá. Nhiều học sinh trốn học từ TP Quảng Ngãi vượt đường xa hơn 3km đến đây chơi game, bố mẹ chúng chạy khắp nơi đi tìm thiệt khốn khổ”.

Đến phạm luật

Trung tá Hoàng Văn Trực, phó trưởng Công an phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi, cho biết từ cuối 2008 đến nay, công an phường đã bắt quả tang bốn học sinh đi chơi đêm sau khi chơi game tại các tiệm Internet. Các học sinh này đã bỏ nhà đi lang thang, tháo trộm đồng hồ nước ở đường Bắc Sơn và Nguyễn Du, TP Quảng Ngãi.

Tạm giữ hai trường hợp ở phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi trong lúc chơi game đã đánh nhau, gây mất trật tự công cộng. Bắt quả tang một học sinh phường Nghĩa Lộ đến tiệm net tại phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi dắt trộm xe đạp. Hiện công an phường đang tăng cường phối hợp với các tổ dân phố thường xuyên tuần tra, nhắc nhở, báo về gia đình; quản lý các tiệm Internet chỉ hoạt động đến 22g30 mỗi đêm.

Còn trên địa bàn tỉnh Bình Định, những vụ đánh nhau và cả trộm cắp xuất phát từ những tín đồ của game ngày càng gia tăng. Đầu năm 2006, ngành đường sắt phát hiện bị mất 19 thiết bị phụ kiện nối giữ đường sắt. Khi tiến hành điều tra, công an đã bắt giữ sáu thiếu niên độ tuổi 14-16 ở huyện Tuy Phước (Bình Định) đã lấy trộm bán trả tiền chơi game.

Các đối tượng này đã khai nhận thêm mười vụ trộm cắp khác mà nhóm từng thực hiện với cùng mục đích: tìm tiền vào quán net. Một trường hợp khác đang phải vào trường giáo dưỡng là T.Q.M. (P.Lê Lợi, TP Quy Nhơn) do tội 11 lần trộm xe đạp để lên net và đi chơi với bạn bè.

Thầy giáo Nguyễn Duy Chánh, hiệu trưởng Trường THCS Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), bức xúc: “Mạng Internet đưa về nông thôn nhằm mở mang dân trí người dân là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên thật nguy hại khi lứa tuổi học trò lên mạng ham chơi game đã bỏ giờ học, trốn lớp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc học của các em.

Hiện nay các kênh truyền hình đang công khai quảng cáo rầm rộ các trò chơi game online rất nguy hại cho lứa tuổi học trò. Nhiều học sinh tò mò đã rủ nhau trốn học truy cập mạng để tìm các trò chơi đầy ma lực này. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng không cho phép các đài truyền hình phát các chương trình quảng cáo các trò chơi game online phản giáo dục này”.

“Giá như không nghiện game…”

“Giá như không lêu lổng rong chơi, bê trễ học hành và nghiện game thì…” – H.V.T. và P.V.N. (đều 15 tuổi, học lớp 9A Trường THCS Thái Sơn, xã Thái Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) đã hối hận trong những ngày làm “khách” tại trại tạm giam Nghi Kim của Công an Nghệ An.

Theo lời khai, cả hai đều rất thành thạo việc “cuỗm” địa chỉ, số tài khoản của một số doanh nghiệp (DN) để thực hiện những phi vụ tống tiền sặc mùi xã hội đen. Trước khi sa lưới pháp luật, T. và N. đã tống tiền trót lọt 15 người, trong đó đậm nhất là vụ đe dọa ông Nguyễn Văn Kính – giám đốc DN tư nhân chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng ở Cửa Tiền, TP Vinh, buộc ông Kính phải nộp 3 triệu đồng vào tài khoản điện thoại cá nhân.

Tiếp đó, cả hai đối tượng yêu cầu ông Kính phải nộp tiếp 2 tỉ đồng vào hai tài khoản của hai DN ở Bắc Ninh và Hà Nội với chiêu “nếu không nộp con trai ông sẽ bị bắt cóc rồi bị truyền virus HIV bằng kim tiêm”. T. và N. không ngờ khi P.V.T. (cũng là một học sinh hư, nghiện game) được T. và N. thuê đến địa điểm đã hẹn để lấy hóa đơn nộp tiền do ông Kính trao thì bị công an bắt quả tang.

Trước đó, tại địa bàn Nghệ An cũng đã có nhiều vụ đe dọa tống tiền một số giám đốc các sở ban, ngành khiến dư luận xã hội hoang mang. Các vụ đó đã bị Công an Nghệ An bắt quả tang.

Vũ Toàn

Theo Tuổi Trẻ

Bình luận (0)