“Show giải trí kiểu Las Vegas đến VN!”, nhiều người truyền tai nhau như thế khi Ionah ra mắt tại Hà Nội. Đây là chương trình nghệ thuật tổng hợp mới vừa góp mặt trong đời sống giải trí của thủ đô.
Ionah hòa trộn nhiều loại hình nghệ thuật như xiếc, nhảy, múa, âm nhạc… – Ảnh: VT |
Sau hơn một năm chuẩn bị, đến đầu tháng 9, vở diễn Ionah chính thức giới thiệu những suất diễn đầu tiên tại nhà hát mới toanh, rất hiện đại là Star Galaxy.
Khá nhiều khán giả tỏ ra thích thú khi bước đến nhà hát màu trắng muốt có vị trí rất đắc địa ở mặt tiền phố Láng Hạ, liền kề Trung tâm Chiếu phim quốc gia.
Thuận lợi đó hẳn là hỗ trợ rất nhiều cho mục tiêu hướng đến du khách quốc tế và khán giả yêu thích xiếc, nhảy, múa, nhạc, kịch…
Vì hòa trộn nhiều loại hình nghệ thuật đại chúng nên Ionah trước hết là chương trình rất dễ tiếp cận, thích hợp cho tuổi thiếu niên trở đi.
Những giá trị thuần khiết của tình yêu
Câu chuyện của Ionah thuộc thời hiện đại nhưng lại mang màu sắc cổ tích huyền ảo. Nội dung vở diễn xoay quanh nhân vật cô gái Hà Nội Ionah loay hoay tìm kiếm bản thân và tình yêu giữa thế giới xô bồ.
Trong cơn vật lộn, giằng xé, cô rơi vào cuộc phiêu lưu trong tâm tưởng ở thế giới siêu thực và trải qua nhiều không gian, tình huống, cung bậc cảm xúc khác nhau, những giá trị thuần khiết của tình yêu và cuộc sống theo đó được truyền tải.
Điều đầu tiên bảo chứng cho chất lượng nghệ thuật của sô này là sự hợp lực của những tên tuổi lớn. Kịch bản và tổng đạo diễn chương trình là Phạm Hoàng Nam, đạo diễn âm nhạc Quốc Trung, đạo diễn xiếc Tống Toàn Thắng, biên đạo múa Trần Ly Ly, thiết kế trang phục Công Trí và giám đốc hình ảnh Fernando Toma.
Chia sẻ về lý do cho sự ra đời Ionah – cái tên viết ngược của “Hanoi”, đạo diễn Phạm Hoàng Nam bày tỏ: “Khi nhìn các loại hình nghệ thuật giải trí giới thiệu cho khách quốc tế, tôi chỉ thấy rối nước phát triển được ở thủ đô. Điều này khiến tôi trăn trở về việc làm thế nào để đóng góp cho quê hương”.
Các nghệ sĩ khác tham gia chương trình cũng cho biết họ đã đến nhiều nước để tham khảo, học hỏi về phát triển vở diễn. Nhà thiết kế Công Trí từng phải bỏ 80% trang phục cho diễn viên để làm lại đồ khác vì chưa hài lòng.
Xem Ionah, khán giả có thể thấy được dụng công và mức độ đầu tư cho một chương trình nghiêm túc. Các khâu, 13 màn diễn đều khá đồng đều, ăn khớp.
Các loại hình nghệ thuật được kết hợp với trình diễn ánh sáng laser và công nghệ hình ảnh 3D khiến vở diễn trở nên đầy màu sắc, tạo ấn tượng thị giác tốt.
Thậm chí, màn hình 3D của Ionah trong hơn, sinh động hơn so với vở Hồ thiên nga đình đám mà các nghệ sĩ ballet Nga trình diễn hồi tháng trước tại Hà Nội cũng với hình ảnh động ba chiều.
Sau những suất diễn đầu tiên, tần suất ba buổi/tuần, khán giả đi xem khá đông, trong đó có không ít người nước ngoài. Có thể thấy khán giả phần nào đó tỏ ý hài lòng qua sự thích thú của du khách, tiếng cười của khán giả nhỏ tuổi và những tiếng vỗ tay qua 70 phút của vở diễn.
Tuy vậy, đây là những tiếng vỗ tay hứng khởi chứ chưa phải phấn khích, trầm trồ. Vở tạp kỹ mới chỉ đạt đến là món ăn thập cẩm có sự đầu tư kỹ càng chứ chưa phải là một món đặc sản đạt đến tiêu chí “ai đến Hà Nội nhất định phải xem sô này”.
Các yếu tố cộng gộp lại đem đến một vở diễn lưng chừng, chưa đột phá.
Ionah hòa trộn nhiều loại hình nghệ thuật như xiếc, nhảy, múa, âm nhạc… – Ảnh: VT |
Thiếu điểm nhấn
Những kinh nghiệm gần gũi mà “cô gái trẻ” Ionah cần tham khảo có thể đến ngay từ hai mô hình “made in Vietnam” đã và đang thành công là xiếc Làng tôi và À Ố Show. Cùng khai thác yếu tố chủ đạo là xiếc và múa, hai chương trình này được thừa nhận là mang nhiều màu sắc văn hóa Việt.
Làng tôi đã mang xiếc với cây tre diễn suốt mấy năm nay tại Pháp và nhiều nước châu Âu. À Ố Show nay đã khá ổn định với các suất diễn định kỳ mỗi tuần cho “khách tour” tới TP.HCM.
Khác những vở này, Ionah dù trên nền bối cảnh Hà Nội nhưng ít thành tố văn hóa địa phương mà được khoác lên màu sắc hiện đại theo kiểu những chương trình được gọi chung là “variety show” ở thiên đường giải trí sôi động Las Vegas.
Yếu tố “Hà Nội” ở đây là phố cổ, quán cóc, mái ngói liêu xiêu, âm thanh đường phố xuất hiện nhạt nhòa trong tổng thể chương trình. Cũng bởi kịch bản chưa sâu, các phần trình diễn đơn, nhóm hoặc tập thể bằng xiếc, múa của 30 diễn viên đều tròn trịa chứ chưa gây thán phục hoặc bất ngờ.
Làng tôi hay À Ố Show không lộng lẫy, sôi động như Ionah, vẫn với những màn nhào lộn, đu dây, uốn dẻo… quen thuộc, nhưng đọng lại trong khán giả còn có những nét diễn tinh tế. Trong khi thiếu yếu tố gây ngạc nhiên thì Ionah lại hơi thừa những màn nhảy, múa.
Với sân khấu bán nguyệt cách điệu từ sân khấu xiếc, lại có hai chiếc cột lớn án ngữ, không có lợi thế về sự hoành tráng, Ionah có thể khai thác thêm yếu tố ảo thuật, theo đó, giảm bớt nhảy múa, nhất là với câu chuyện đan xen thực và ảo.
Yếu tố kỳ ảo (magic/fantasy) nhờ một “điểm nhấn” là ảo thuật có thể sẽ giúp Ionah “thôi miên” và gây bất ngờ cho khán giả. Âm nhạc, yếu tố xuyên suốt chương trình, là nhạc điện tử, cũng chưa có điểm nhấn.
Ngoài khai thác phần nhạc của một ca khúc đang phổ biến ở cuối chương trình giúp kết nối với khán giả, nếu có thêm một bản nhạc kinh điển, có thể được biến tấu, sẽ khiến Ionah có “ngôn ngữ quốc tế” tốt hơn vì khán giả của vở diễn đến từ khắp nơi.
Với Ionah, một tín hiệu tốt là đã có thêm nhà đầu tư tư nhân rót tiền vào văn hóa nghệ thuật.
Và giờ đây, khán giả và du khách tới Hà Nội có thêm một lựa chọn mới trong những buổi tối “không biết đi đâu”. Với giá vé khá đắt 500.000 – 800.000 đồng/vé, khán giả sẽ chờ đợi vở được hoàn thiện hơn và chính họ sẽ trả lời cho sự tồn tại của chương trình.
Ionah hòa trộn nhiều loại hình nghệ thuật như xiếc, nhảy, múa, âm nhạc… – Ảnh: VT |
Theo TTO
Bình luận (0)