Hội nhậpThế giới 24h

IPEF khởi động đàm phán xây dựng quy tắc kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Các bộ trưởng từ 14 quốc gia thành viên trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) do Mỹ lãnh đạo dự kiến bắt đầu đàm phán chính thức trong tuần này tại Los Angeles, Mỹ. Cuộc họp trực tiếp cấp bộ trưởng đầu tiên của khuôn khổ dự kiến tập trung vào hệ thống hóa một trật tự kinh tế dựa trên luật lệ ở khu vực kinh tế đang phát triển nhanh.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại sự kiện khởi động khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương (IPEF) ở tại Tokyo, Nhật Bản ngày 23.5.
Thiết lập tiêu chuẩn cao trong lĩnh vực mới
Không giống một hiệp định thương mại thông thường, IPEF không liên quan đến việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa thương mại, vốn là những vấn đề nhạy cảm ở Mỹ. Thay vào đó, IPEF tập trung vào thiết lập các tiêu chuẩn cao trong lĩnh vực mới như nền kinh tế kỹ thuật số và chuỗi cung ứng cho chất bán dẫn và các vật liệu quan trọng chiến lược khác, theo Japan Times.
IPEF, chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố trong chuyến đi đến Nhật Bản vào tháng 5, được coi là sự tái tương tác của Mỹ với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sau khi người tiền nhiệm của ông Joe Biden – ông Donald Trump – rút nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi Hiệp định Thương mại TPP năm 2017. 
IPEF bao gồm 4 trụ cột chính sách nhằm thúc đẩy thương mại công bằng, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch cũng như các biện pháp chống né thuế và tham nhũng. Để thể hiện tính linh hoạt, các thành viên IPEF có thể chọn tham gia bất kỳ trụ cột nào trong số 4 trụ cột riêng lẻ theo cách mà các chuyên gia thương mại gọi là phương pháp tiếp cận trụ cột phi tập trung. Các chuyên gia nhận định, cách tiếp cận trụ cột phi tập trung dường như đã giảm bớt rào cản tham gia với một số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở Đông Nam Á.
Các bộ trưởng sẽ hướng tới việc xây dựng một cơ cấu có khả năng đảm bảo nguồn cung ổn định cho các sản phẩm quan trọng như khoai tây chiên và khoáng sản đất hiếm, ngay cả trong thời điểm thiên tai và các tình huống khác, các quan chức Nhật Bản tiết lộ. Ngoài ra, các thành viên IPEF cũng có ý định tăng cường hợp tác trong những công nghệ năng lượng mới sử dụng hydro và amoniac, cũng như các năng lượng tái tạo khác. 
Chính quyền ông Joe Biden mong đợi cuộc đàm phán liên quan đến từng trụ cột sẽ kết thúc sau 1 năm hoặc tối đa 18 tháng, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn tại Washington, cho hay. Cuộc họp Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) dự kiến ​​diễn ra tháng 11.2023 được coi là thời hạn không chính thức để hoàn tất các thỏa thuận IPEF. Một số chuyên gia hy vọng sớm có thành quả đàm phán trong các lĩnh vực như thương mại và vấn đề chuỗi cung ứng.
Hé lộ dự thảo tuyên bố chung
Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) dự kiến nhất trí cải thiện chia sẻ thông tin và có hệ thống trung tâm dành riêng những nguồn cung ứng thay thế trong trường hợp xảy ra gián đoạn, theo dự thảo tuyên bố chung dự kiến công bố tại cuộc họp cấp bộ trưởng diễn ra ngày 8 và 9.9. 
Nikkei cho hay, 14 quốc gia tham gia vào sáng kiến ​​kinh tế do Mỹ dẫn đầu hướng tới chuẩn bị cho tình trạng thiếu hụt và ngừng cung cấp chất bán dẫn và các vật liệu quan trọng khác. Các quốc gia tham gia IPEF, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Indonesia và Singapore…
Trong cuộc họp diễn ra tại Los Angeles tuần này, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo dự kiến đồng chủ trì cuộc họp. Các cuộc thảo luận trong 2 ngày sẽ được tổ chức theo 4 trụ cột của khuôn khổ: Khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và khử carbon, thuế, chống tham nhũng, và thương mại. Các quốc gia cũng chuẩn bị công bố tuyên bố chung về các trụ cột chọn tham gia, với Mỹ và Nhật Bản dự kiến tham gia cả 4 trụ cột. 
Theo dự thảo tuyên bố, các quốc gia sẽ hợp tác để nhanh chóng khôi phục các chuỗi cung ứng bị tạm dừng vì xung đột hoặc dịch bệnh lây lan. Các quốc gia cũng sẽ hướng tới mục tiêu tăng cường chuỗi cung ứng thông qua đa dạng hóa các địa điểm sản xuất và cho phép dự trữ nhiều hơn qua trao đổi thông tin tốt hơn giữa các quốc gia, dự thảo nêu rõ.
Khi bắt đầu đại dịch COVID-19, các quốc gia trên toàn cầu đổ xô đi mua khẩu trang và vaccine COVID-19, đôi khi đã xảy ra cạnh tranh về nguồn cung. Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng trở nên tồi tệ hơn sau khi xung đột Nga – Ukraina bùng phát hồi tháng 2 khiến giá khí đốt và ngũ cốc tăng đột biến. Gần đây, căng thẳng quanh eo biển Đài Loan làm tăng nguy cơ khác cho chuỗi cung ứng, khiến các nước nhận thấy nhu cầu thiết lập một khuôn khổ để hợp tác tốt hơn.
Lưu ý đến vấn đề an ninh năng lượng, dự thảo tuyên bố chung của các bộ trưởng cũng bao gồm những sáng kiến ​​nhằm giúp các quốc gia, như các quốc gia trong ASEAN – nơi dùng nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn các quốc gia phát triển – chuyển sang năng lượng tái tạo. Về thương mại, các quốc gia hướng tới cải thiện tính minh bạch của việc truyền dữ liệu và thúc đẩy thủ tục hải quan được thực hiện trực tuyến nhiều hơn. Về thuế và chống tham nhũng, dự thảo yêu cầu các quốc gia tuân thủ hiệp ước thuế nhằm tránh các quốc gia đánh thuế 2 lần với những doanh nghiệp đa quốc gia.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)