Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

IPhO 39 tại Việt Nam: Đề thi lý thuyết hay nhưng… khó

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể nói, đến thời điểm này, các tuyển thủ tham gia IPhO (Olympic Vật lý quốc tế) đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và chỉ còn đợi kết quả. Đánh giá chung của thí sinh cũng như của các thầy đều cho rằng đề thi IPhO 39 hay nhưng… khó.

Đội mạnh các nước cũng “lắc đầu”

Đề thi nhìn chung là khó, nói đúng hơn là tương đối dài. Các đội mạnh như Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp đều từ chối trả lời ngay từ đầu. Đề thi lý thuyết gồm 3 câu, các thí sinh làm trong thời gian 5 giờ đồng hồ. Khác với thi lý thuyết, phần thi thực hành ban tổ chức chia thành hai nhóm: thi buổi sáng và buổi chiều, thời gian thi vẫn là 300 phút. Bạn Shapagat (Kazakhstan) nói: “Bọn mình là đội tới dự thi muộn nhất nên cũng có chút căng thẳng. Tất nhiên sự chuẩn bị đã có từ lâu rồi nên chuyện đến sớm hay muộn cũng không ảnh hưởng nhiều lắm. Nhưng quả thực đề thi là rất khó”. Anh chàng Pedro (Tây Ban Nha) mặc dù kêu đề khó nhưng vẫn cười tươi tắn: “Ôi, đề thi khó lắm, thực sự rất khó đối với bọn mình. Cùng lắm mình cũng chỉ làm được 30% là nhiều rồi”. Hai bạn Alexandros Katsadorakis và Athanasios Livanis (Hy Lạp) cũng cười rất… rạng rỡ: “Khó, khó lắm. Bọn mình có thi năm ngoái rồi, và đề năm nay có vẻ khó hơn. Giờ bọn mình còn trông chờ vào bài thi thực hành nữa thôi. Hy vọng kết quả sẽ tốt”. Còn chàng trai Orkhan Karimov (Azecbaijan) thì không được tươi tắn cho lắm: “Mình chỉ làm được khoảng 15% thôi. Tệ quá!”. Các chàng trai của Kyrgystan thì lém lỉnh: “Đề khó quá, bọn mình chỉ làm được 30% thôi. Nhưng mình sợ bị thầy giáo… mắng nên nói dối là làm được 60% đấy”.

Các tuyển thủ của đội chủ nhà cũng không khỏi than thở: đề thi hay nhưng khó quá. Từng giành huy chương bạc IPhO lần thứ 38 và huy chương vàng Olympic Vật lý châu Á 2008, Đỗ Hoàng Anh (lớp 12 chuyên Lý – Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết so với năm ngoái, đề thi năm nay khó hơn và phức tạp hơn. “Sau 5 tiếng, em chỉ làm được gần 2 câu” – Hoàng Anh nói.

Đề thi thể hiện được “văn hóa” của Việt Nam

Không chỉ riêng các thí sinh phải lắc đầu mà các thầy trưởng các đoàn cũng đều khẳng định đề thi khó nhưng rất hay và rất sáng tạo. Ông Juan Leon, trưởng đoàn IPhO của Tây Ban Nha cho rằng đề thi do Việt Nam ra tuy khó, dài nhưng thực sự xứng tầm cuộc thi quốc tế. Đặc biệt, câu hỏi về cối giã gạo bằng sức nước của Việt Nam.

Từ thực tế đề thi đã ra những câu hỏi liên quan tới cuộc sống hàng ngày, về sự ô nhiễm môi trường, giao thông, Việt Nam đã khéo léo gài văn hóa “làm mềm” đi phần vốn “khô khan” của kiến thức khoa học. Thầy giáo hướng dẫn của đoàn Bulgaria Viktor Ivanov cho rằng học sinh của ông không làm được trọn vẹn bài thi nhưng ông rất thích nội dung thi lý thuyết năm nay. Không chỉ thú vị ở nội dung và cách thức ra đề mà đề thi năm nay còn thú vị ở hệ thống các câu hỏi. Theo ông Viktor, các câu hỏi có tính dẫn dắt thí sinh, kích thích sự sáng tạo và rất hoàn thiện.

Nghiêm Huê

Thi thực hành: đề dài nhưng dễ

Bạn Admir Greajo, đoàn Bosnia cho biết: bài thi thực hành dễ hơn so với bài thi lý thuyết. Tuy nhiên, đề thi thực hành có hơi dài. Admir làm được khoảng trên 50%. Đánh giá về đề, Admir khẳng định, đây là lần thi khó nhất trong 2 kỳ IPhO mà Admir tham gia (bạn ấy từng tham gia IPhO 2007). Đề thi có nhiều kiến thức dành cho ĐH hơn là cho THPT nhưng phải nói đề thi IPhO 39 tổ chức tại Việt Nam rất sáng tạo và rất hay.

 

Bình luận (0)