Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

iPhone chật vật vào Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sau một thời gian dài đàm phán, cuối cùng chiếc iPhone cũng đã có mặt tại thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, không những bị cắt bớt tính năng, chiếc iPhone “chính hãng” còn có giá cao hơn những sản phẩm bán tràn lan trên thị trường chợ đen.

 

Những chiếc iPhone "chính hãng" thu hút người Trung Quốc.

Nhà phân phối iPhone tại thị trường Trung Quốc, China Unicom hy vọng chiếc điện thoại smartphone được yêu chuộng khắp toàn cầu này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho mình trong cuộc cạnh tranh với đối thủ khổng lồ, China Mobile, hãng điện thoại đang dẫn đầu thế giới về số lượng thuê bao.

Unicom bắt đầu bán iPhone 3GS từ tối thứ 6 tuần trước tại 2000 cửa hàng trên khắp toàn quốc. Các báo Trung Quốc rầm rộ đưa tin Unicom hy vọng sẽ bán được 5 triệu chiếc iPhone trong vòng 3 năm đầu tiên, nhưng công ty này từ chối đưa ra bất cứ lời xác nhận nào.

Việc Unicom không dám mạnh miệng tuyên bố bất cứ điều gì cũng có thể do chiếc iPhone này thiếu tính năng gần như tối thiểu đối với người dùng Trung Quốc, đó là WiFi. Công nghệ này từng là một phần chủ chốt làm nên tính hấp dẫn của iPhone. Nó cho phép người dùng thoải mái lướt web ở những quán café và công sở để tải e-mail và các ứng dụng mới nhất một cách miễn phí.

Việc chiếc iPhone ra mắt tại Trung Quốc thiếu tính năng WiFi cũng đồng nghĩa với việc khách hàng của Unicom iPhone sẽ phải trả tiền để được kết nối với mạng điện thoại cho mỗi chức năng. Điều này có thể khiến người tiêu dùng “xa lánh” nó trước hóa đơn điện thoại hàng tháng cao ngất ngưởng.

Ông Duncan Clark, chủ tịch hãng nghiên cứu công nghệ BDA China Ltd có trụ sở đặt tại Bắc Kinh nhận xét “Chúng tôi đã nhìn thấy trước một điều các khách hàng Trung Quốc không hề thích bị đối xử như những công dân hạng hai”.

Apple và Unicom còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của một nguồn không chính thức: đó là những chiếc iPhone đã được unlock mua từ nước ngoài có tính năng WiFi.

Theo ước tính, hiện có khoảng 1,5 đến 2 triệu chiếc điện thoại ở Trung Quốc sử dụng dịch vụ 3G của China Mobile cho phép người dùng truy cập Internet và các tính năng khác.

Unicom bán iPhone 3GS với giá dao động từ 4.999 – 6.999 NDT (khoảng 730-1.025 USD) cho phiên bản 32GB. Mức giá này cao hơn 20% so với thị trường chợ đen ở Trung Quốc. Bởi ở đó, khách hàng có thể mua một chiếc iPhone 3GS có WiFi chỉ với giá 5.700 NDT (khoảng 835 USD).

Ngoài ra, rắc rối của iPhone trong việc bị trì hoãn nhập cảnh vào Trung Quốc phản ánh những rào cản pháp lý và công nghệ của một thị trường thay đổi chóng mặt. Ở đó, các công ty công nghệ toàn cầu đã phải đấu tranh để chứng minh bản thân mình.

Theo BDA, không phải ngẫu nhiên mà chiếc iPhone được Unicom bán tại Trung Quốc thiếu WiFi, đó là do yêu cầu tạm thời của chính phủ nước này trước sự “thúc ép” của hệ thống đối thủ Trung Quốc. Lệnh cấm này được ban hành hồi tháng 5 khi việc sản xuát đã bắt đầu.

Phát ngôn viên Unicom, Yi Difei cho biết công ty này hy vọng lô hàng iPhone xuất xưởng lần tới sẽ có WiFi.

“Chúng tôi đang trao đổi với Apple và hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết vào cuối năm nay”, Yi nói.

iPhone đã được ra mắt tại Mỹ từ hồi tháng 6 năm 2007 nhưng việc chính thức có mặt tại Trung Quốc đã bị trì hoãn thời gian dài. Lý do là Apple và các nhà cung cấp dịch vụ Trung Quốc khó tìm được tiếng nói chung về cách thức chia chác lợi nhuận.

Trung Quốc hiện có hơn 650 triệu tài khoản di động, mặc dù GDP bình quân đầu người của nước này chỉ ở mức 3000 USD. Người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng đổi điện thoại vài lần mỗi năm để được dùng những mẫu điện thoại mới và tính năng mới nhất.

China Unicom đang nắm trong tay 143 triệu tài khoản di động. Đó hẳn sẽ là con số cực kì ấn tượng trong bất cứ thị trường nào khác, nhưng lại chẳng thấm tháp gì so với con số 508 triệu tài khoản mà đối thủ “cỡ bự” China’s Mobile đang sở hữu.

Các công ty công nghệ toàn cầu đang thống trị các thị trường khác đã phải rất vất vả khi tìm chỗ đứng cho mình tại Trung Quốc. Đơn cử như gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm Google nức tiếng toàn cầu như vậy nhưng lại chỉ sở hữu ít hơn 30% thị phần tại Trung Quốc, trong khi đối thủ bản địa Baidu chiếm đế 60% thị phần. Còn Yahoo thì đành ngậm ngùi chuyển giao việc làm ăn tại Trung Quốc cho một đối tác địa phương sau khi thất bại trong việc mở rộng thị phần của hãng.

Võ Hiền (Theo Dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)