Từ hôm 16-6, chính quyền Tehran đã chính thức cấm các hãng truyền thông quốc tế đưa tin về các cuộc tuần hành biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống.
Theo CNN, quyết định này được đưa ra sau khi các hình ảnh người biểu tình đụng độ với cảnh sát được phát trên hàng loạt mạng tin quốc tế. Chính phủ Iran đã chỉ trích một số thông tin đăng tải này là thiên lệch và thiếu chính xác.
Không có hình ảnh từ trong Iran, giới truyền thông phương Tây chấp nhận những hình ảnh biểu tình của kiều dân Iran ở nước ngoài – Ảnh: Reuters |
CNN cho biết họ có thể tiếp tục đưa tin nhưng không được rời phòng khách sạn và văn phòng của mình. Hiện chỉ còn kênh truyền hình nhà nước của Iran là không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm và vẫn được tiếp tục đưa tin về các cuộc diễu hành. Cho đến nay, ứng viên thất cử, cựu thủ tướng Mousavi, vẫn phản đối việc đếm phiếu lại mà yêu cầu tiến hành cuộc bầu cử mới.
Trong khi đó, một bài báo trên Washington Post ngày 15-6 lại thừa nhận kết quả kiểm phiếu có thể chính là ý nguyện của người dân Iran khi một số cuộc thăm dò của họ cũng cho kết quả Tổng thống Ahmadinejad dẫn trước đối thủ Mousavi với tỉ lệ 2:1.
Dù báo chí phương Tây cố giật hình ảnh Mousavi đang được người dân ủng hộ, nhưng các thăm dò trên 30 tỉnh lỵ của Iran đều cho thấy ông Ahmadinejad dẫn trước khá xa. Báo Washington Post nhấn mạnh thăm dò của họ được tiến hành bởi các tổ chức phi lợi nhuận bằng cách gọi điện từ một nước láng giềng của Iran, trong khi các công việc thăm dò được tiến hành bởi một công ty có uy tín từng làm việc cho ABC News và từng nhận giải thưởng từ BBC.
Ngoài ra, dù ông Mousavi có nói mình là người tộc Azeri (cộng đồng lớn thứ hai ở Iran sau người Ba Tư) nhưng thăm dò trong nhóm người Azeri cho thấy phần lớn họ lại ủng hộ ông Ahmadinejad. Dù nhiều hãng truyền thông nói về chuyện giới trẻ Iran cùng Internet là những đổi thay của cuộc bầu cử này, nhưng các thăm dò cho thấy chỉ 1/3 người dân Iran tiếp cận với Internet, trong khi nhóm 18-24 tuổi lại là nhóm ủng hộ ông Ahmadinejad mạnh nhất.
Nhóm dân số duy nhất mà ông Mousavi dẫn điểm hay có kết quả ngang ngửa là nhóm sinh viên đại học và những người có thu nhập cao nhất ở nước này. Theo Washington Post, dựa vào những kết quả thăm dò có được, khó có thể nói cuộc bầu cử là gian lận trên quy mô lớn như báo chí phương Tây mô tả.
THANH TUẤN (TTO)
Bình luận (0)