Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Iran: Một phụ nữ lập thư viện tại nhà để khuyến học

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Arkhondeh Gohari

Đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ và bình đẳng giới là mục tiêu của phụ nữ ở các nước Hồi giáo. Một phụ nữ Iran đã biến tiệm làm tóc của mình thành thư viện, nơi tập hợp, giáo dục phụ nữ về quyền lợi và trách nhiệm đấu tranh cho bình đẳng nam nữ.

Mọi người gần như tự do vào nhà bà Arkhondeh Gohari, chủ tiệm làm tóc. Từ các phụ nữ cả đời chưa đọc sách đến các cô sinh viên trong túi không có một xu. Họ đến để mượn sách, không cần thẻ, không cần ký sổ. Bà Arkhondeh Gohari cho biết: “Tất cả đều là con cháu, chị em. Tôi ngồi đây để giúp họ chọn sách”.
Bà Arkhondeh Gohari trùm khăn màu sáng, khác xa với những phụ nữ phía Bắc Thành phố Teheran thường trùm những khăn có nhiều màu sắc sặc sỡ để tỏ ý chống đối sự hà khắc tôn giáo… Ngoài ra, bà cũng không manh động đến mức bị giam vì công khai chống đối chế độ tăng lữ và sự phân biệt nam nữ. Tuy nhiên, khi Nhà nước tỏ ra bớt khắt khe thì bà tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ theo cách của riêng mình. Vũ khí duy nhất là vài chồng sách khiêm tốn trên giá với đủ các loại: sách dạy nấu ăn, tiểu thuyết của Dostoevski, tiểu luận của Jean Paul Sartre, sách dạy tiếng Anh, thơ Ba Tư. Bà Gohari nói: “Đọc sách là giải phóng trí tuệ”.
 Trải qua 30 năm, người phụ nữ ngũ tuần, mẹ của bốn đứa con này, đã quyết định biến tiệm làm tóc của mình thành phòng đọc sách. Một quyết định liều lĩnh nhưng lại mang đến thành công. Bà Gohari chia sẻ: “Lúc đầu chỉ có 50 cuốn tôi mua nhân dịp sách hạ giá. Bây giờ tôi có đến 5.000 cuốn sách. Yêu cầu đọc tăng lên từng ngày”. Nhờ vào sự tình cờ mà bà làm cả hai việc, xã hội và nhân đạo. Bà nói tiếp: “Khi tôi đang làm tóc cho một phụ nữ sắp lấy chồng thì cô hàng xóm gõ cửa. Cô thiết tha mời tôi dự một cuộc hội thảo về bảo vệ sức khỏe do cộng đồng tổ chức”. Vì đất nước đang hàn gắn những vết thương do chiến tranh Irac-Iran (1980-1988) để lại và ông Thị trưởng Teheran cũng khuyến khích những hoạt động xã hội nên bà Gohari tạm gác việc làm tóc để đi dự cuộc họp. Chủ đề hôm đó là bệnh ung thư vú, một đề tài mà bà rất quan tâm, vì mới đây một người bạn thân của bà đã qua đời vì căn bệnh quái ác này. “10 phút đó đã làm thay đổi đời tôi” – bà Gohari tâm sự.
Vài ngày sau, bà động viên bạn bè mình đi dự hội thảo. Rồi cứ mỗi tuần một lần bà tổ chức cuộc hội thảo ngay tại phòng làm tóc của mình. “Lúc đầu họ cũng dè dặt lắm, tôi động viên bằng cách hứa sẽ giảm tiền làm tóc cho họ” – bà Gohari tâm sự. Thế là số người dự tăng lên gấp năm lần. Sau buổi họp, họ nói chuyện với nhau về những vấn đề lâu nay gây bức xúc đối với phụ nữ: mẹ chồng khắc nghiệt, chồng con hành hạ, không được tiếp xúc với ai, suốt ngày quần quật trong bếp… Họ biết rằng mình bị đối xử bất công và muốn làm cái gì đó để tự giải thoát. Một đường giây quan hệ xã hội đã được hình thành. Bà Arkhondeh Gohari được bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ quận. Một hôm, bà đến Sở Điện lực khiếu nại về việc đường phố thiếu ánh sáng, ông giám đốc tuyên bố: “Tôi không nói chuyện với các bà”. Bà cảnh cáo: “Được rồi, tôi sẽ đem một ô tô chở đầy phụ nữ đến đây để nói chuyện phải trái với ông”. Cuối cùng, đường phố đã được chiếu sáng theo yêu cầu.
Trong một cuộc họp ở khu phố, vấn đề được đặt ra là thiếu chỗ vui chơi giải trí và phòng đọc sách vì sách bán ở cửa hàng quá đắt. Nghe vậy, bà Arkhondeh Gohari quyết biến tiệm làm tóc của mình thành phòng đọc sách. “Tôi đổi sản phẩm làm tóc lấy sách, thế là hàng nghìn cuốn sách được đem tới nhà” – bà nói. Có một kỷ niệm khiến bà Arkhonde Gohari không bao giờ quên: Một cô sinh viên đến gặp bà khóc lóc vì thiếu tiền mua sách học ôn thi. Bà đi khắp nơi tìm cho ra cuốn sách đó, vì cứ sợ cô bé hỏng thi phải về nhà sống cuộc đời của một người đàn bà hầu chồng con. Hai năm sau, cô sinh viên ấy báo cho bà biết cô đã thi đậu và đã có việc làm. Bà mừng đến rơi nước mắt. Để phục vụ tốt hơn, bà chuyển thư viện về một nhà kho cũ đã được sửa sang lại. Thư viện của bà vừa khai trương, một cô 18 tuổi lấy chồng từ năm 14 tuổi, bỏ học, nay đã có con lên hai, xuất hiện. Cô nói: “Suốt ngày ở nhà rất buồn, con đến vì muốn mượn sách của Tshekop”.
Theo L’Express
Phan Thanh Quang

 

Bình luận (0)