Hội nhậpThế giới 24h

Iran quản thúc gia đình Bin Laden

Tạp Chí Giáo Dục

Việc tiết lộ thông tin về sự hiện diện của nhiều thành viên nhà Osama Bin Laden đang ở Iran có thể ảnh hưởng xấu đến quan hệ Iran – Ả Rập Xê Út.
Báo Asharq Al-Awsat của Ả Rập Xê Út hôm 23.12 dẫn lời con trai thứ tư của Osama Bin Laden cho biết 6 người con và một trong các bà vợ của trùm khủng bố, vốn bị mất tích kể từ khi Mỹ tấn công Afghanistan năm 2001, hiện đang bị quản thúc tại gia ở Iran. Omar Bin Laden, hiện sống ở Qatar, nói rằng anh chỉ biết thông tin trên sau khi nhận được cuộc gọi của em trai Uthman cách đây khoảng nửa tháng.
Omar Bin Laden nói rằng nhiều người thân của mình bị Iran quản thúc – Ảnh: AFP
Cũng theo lời Omar, các anh chị em cùng cha khác mẹ gồm Saad, Uthman, Fatima, Hamza và Bakr cùng với bà Khairiya (mẹ của Hamza) hiện đang bị quản thúc ở Tehran. Một người em gái của Omar là Iman gần đây đã thoát khỏi nơi quản thúc và xin tị nạn tại Đại sứ quán Ả Rập Xê Út ở Tehran. “Iman đã trú ngụ hơn 25 ngày ở Đại sứ quán Ả Rập Xê Út”, Omar cho biết. Fuad Qassas, đại biện lâm thời của Đại sứ quán Ả Rập Xê Út tại Tehran, cũng xác nhận Iman đã trú ngụ tại đó, theo báo Asharq Al-Awsat. Theo hãng tin AFP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast hôm 22.12 không phủ nhận việc 6 thành viên gia đình Bin Laden đang ở Tehran.
Chuyện các thành viên gia đình Bin Laden hiện diện ở Iran chưa bao giờ được công bố trước đây. Báo Washington Post hồi tháng 10.2003 cho biết Saad Bin Laden “gần đây đã nổi lên trong hàng ngũ cấp cao của mạng lưới al-Qaeda và đang điều hành tổ chức khủng bố từ Iran”. Dẫn lời giới chức Mỹ, châu Âu và Ả Rập, tờ báo nói rằng Saad được một lực lượng an ninh tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cách mạng Iran bảo vệ. Đầu năm nay, có tin Iran đã thả Saad hồi cuối năm 2008 và cho người này sang Afghanistan. Rồi vào tháng 7, có tin Saad thiệt mạng tại Pakistan.
Những tiết lộ về sự hiện diện của gia đình Bin Laden ở Iran chắc chắn sẽ làm phức tạp mối quan hệ giữa hai đối thủ trước giờ vốn tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông: Iran do người Hồi giáo dòng Shiite lãnh đạo và Ả Rập Xê Út với chính phủ của người Sunni. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã thực hiện đối sách gây thiện cảm nhằm “dụ dỗ” Ả Rập Xê Út và các nước Ả Rập khác. Nhưng ảnh hưởng đang gia tăng của Iran và vai trò đang lên của các phong trào Hồi giáo Hezbollah, Hamas và Syria đã gây lo ngại tại Riyadh và các thủ đô Ả Rập khác.
Cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi ở Iran hồi tháng 6 là bằng chứng mới nhất đối với nhiều người ở thế giới Ả Rập rằng ảnh hưởng khu vực của Iran bắt đầu yếu trở lại. Với Ả Rập Xê Út, bằng chứng của sự suy yếu này chỉ mới xuất hiện tuần qua, khi Riyadh có thể dàn xếp được cuộc gặp giữa Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh của Iran và Thủ tướng Li-băng Saad Hariri, người từng buộc tội Syria giết hại cha mình. Với việc không phủ nhận thông tin về sự hiện diện của nhiều thành viên nhà Bin Laden ở Iran, có vẻ Tehran đang tính chuyện “gỡ thế” trước đối thủ Ả Rập Xê Út. 
Trùng Quang/Thanh Niên

Bình luận (0)