Tân tổng thống Iran sẽ được bầu chọn trong vòng bỏ phiếu thứ hai diễn ra ngày 5-7
Vòng 1 ghi nhận tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục. Trong số hơn 61 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu, chỉ 40% người đi bầu. Dù dẫn đầu vòng 1, không có gì bảo đảm ông Pezeshkian có được thành tích tương tự trong vòng 2.
Giới quan sát cho rằng cơ hội của ông Pezeshkian phụ thuộc vào số lượng cử tri đi bỏ phiếu nhiều hơn trong vòng này. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách thuyết phục đủ số cử tri ủng hộ đường lối trung dung và cải cách đi bỏ phiếu.
Theo đài Al Jazeera, ông Jalili là người theo đường lối cứng rắn bảo thủ và là đồng minh của cố Tổng thống Ebrahim Raisi, người đã qua đời trong vụ tai nạn trực thăng hôm 19-5.
Từng tranh cử tổng thống 2 lần nhưng không thành công, ông Jalili hiện là một trong những đại diện trực tiếp của Nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei tại Hội đồng An ninh quốc gia tối cao (SNSC).
Hai ứng cử viên Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (trái) và Saeed Jalili tham dự tranh luận tại một trường quay truyền hình ở Tehran – Iran hôm 1-7. Ảnh: Reuters
Ông Jalili chủ yếu được biết đến trên trường quốc tế nhờ vai trò nhà đàm phán hạt nhân chính của Iran trong giai đoạn 2007-2012. Ông từng phản đối thỏa thuận hạt nhân với phương Tây vào năm 2015 và có thể không đồng ý các điều khoản mà phương Tây đưa ra để khôi phục thỏa thuận này nếu trở thành tổng thống Iran.
Ngoài ra, ứng viên này cam kết nhanh chóng kéo giảm lạm phát dù không cho biết kế hoạch cụ thể.
Trong khi đó, ông Pezeshkian được xem là người theo đường lối ôn hòa duy nhất trong số ứng viên. Ông nhận được sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa trung dung và cải cách cấp cao trong giới lãnh đạo Iran, trong đó có các cựu Tổng thống Mohammad Khatami và Hassan Rouhani.
Ông Pezeshkian tranh cử với lời hứa nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Trước đó, ông Pezeshkian có một lần tranh cử tổng thống không thành vào năm 2021.
Bác sĩ phẫu thuật tim này là thành viên quốc hội Iran từ năm 2008 và đảm nhận chức vụ phó chủ tịch quốc hội giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, hầu hết vị trí chính phủ mà ông đảm nhận đều liên quan đến lĩnh vực y tế. Ông từng là bộ trưởng y tế vào đầu những năm 2000, cũng như là thành viên lâu năm của Ủy ban Y tế quốc hội.
Bất chấp những khác biệt trên, cả 2 ứng viên có nhiều điểm giao nhau trong đường lối chính trị. Ngay cả khi ông Pezeshkian có khuynh hướng cải cách nhiều hơn, cả ông và đối thủ Jalili đều trung thành với chính phủ.
Ông Pezeshkian đã thể hiện sự trung thành đối với hệ thống chính trị đất nước bằng cách không ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ, ngay cả khi ông chỉ trích một số phản ứng của chính phủ đối với các cuộc biểu tình này.
Ngoài ra, cả 2 ứng viên đều ủng hộ Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Riêng ông Jalili từng là thành viên của lực lượng này.
Theo Anh Thư/NLĐO
Bình luận (0)