Cuộc đấu giá quyền phát triển các mỏ dầu tại Iraq kết thúc ngày 12-12 được nước này đánh giá là thành công lớn, khi 7/10 mỏ đưa ra đấu giá đã được trao về tay các tập đoàn nước ngoài như Nga, Trung Quốc.
Khai thác tại một mỏ dầu của Iraq – Ảnh: AP
|
Theo tờ The National (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), Công ty dầu khí PetroVietnam của Việt Nam cùng các nhà thầu Indonesia, Malaysia cũng tham gia đấu thầu mỏ dầu Qurna – Tây 2 với giá khai thác 1,25 USD/thùng, sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, Tập đoàn Lukoil (Nga) và StatoilHydro (Na Uy) đã giành chiến thắng với giá 1,15 USD/thùng và khai thác 1,8 triệu thùng/ngày. Trữ lượng của mỏ Qurna – Tây 2 lên đến 12,8 tỉ thùng.
Các mỏ khác bao gồm Majnoon, Halfaya, Garraf, Najmah, Qaiyarah, Badra, chiếm gần 1/3 tổng trữ lượng của Iraq, được đấu giá thành công bởi các công ty Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và một số nước châu Á. Ngoài ra, không công ty nào của Mỹ tham gia đấu giá lần này.
Bộ trưởng dầu mỏ Iraq Hussein al-Shahristani cho biết: “Đây là thành công lớn cho Iraq khi có được các hợp đồng với mức giá này”. Với sự đổ bộ của các tập đoàn khai thác nước ngoài, khả năng khai thác dầu của Iraq có thể tăng từ 2,5 triệu hiện nay lên 12 triệu thùng/ngày vào năm 2016, trở thành nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, mang về cho nước này khoảng 200 tỉ USD trong sáu năm tới. Ông cũng cho biết thêm Iraq hiện còn 50 mỏ dầu khác chưa được đưa ra đấu thầu.
Tuy nhiên theo Reuters, thời hạn hợp đồng 20 năm được đánh giá là khá dài trong tình hình an ninh và chính trị bất ổn hiện nay của Iraq. Cuộc đấu giá diễn ra vài ngày sau khi 127 người thiệt mạng trong các vụ đánh bom liên tiếp.
Trước đó, kết quả vòng đấu giá đầu tiên của Iraq vào tháng 6-2009 không mấy tốt đẹp, với chỉ một mỏ dầu được đấu giá thành công.
T.PHƯƠNG/TTO
Bình luận (0)