Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Iraq: Đầu tư để tái xây dựng nền giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Iraq sẽ tập trung vào việc tái cấu trúc cơ sở hạ tầng của các trường đại học (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Iraq vừa công bố một kế hoạch 5 năm, trong đó sẽ đầu tư 1 tỷ đôla cho giáo dục bậc cao nhằm thúc đẩy lực lượng lao động về khoa học – kỹ thuật của quốc gia song song với phát triển kiến thức nền cho sinh viên.
Kế hoạch này là một động thái trong việc thực hiện hiệp định được ký kết giữa Hiệp hội các tổ chức Iraq và các trường đại học Mỹ mà đại diện là Thủ tướng Iraq – ông Nouri al-Maliki và Chủ tịch Học viện Phát triển giáo dục Washington – ông Stephen Moseley.
Theo đó, kế hoạch sẽ được chia làm hai phần. Phần thứ nhất đề cập đến việc trao học bổng du học nước ngoài trong vòng 5 năm cho khoảng 10.000 sinh viên Iraq mỗi năm. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ nhận được bằng kỹ thuật hai năm hoặc bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ… tại các trường đại học ở Úc, Canada, Anh và Mỹ. Ngoài ra Iraq còn dành khoản ngân sách 54 triệu đôla để trao học bổng cho 500 sinh viên đến Mỹ học các ngành cơ khí, y tế, khoa học, kỹ thuật và ngành sư phạm trong vòng một năm. Để đảm bảo công bằng trong việc trao học bổng, số sinh viên được nhận học bổng sẽ chia thành % bằng nhau theo dân số của 18 vùng trên đất nước Iraq. Cấp lớp của học sinh chính là tiêu chí để chọn lựa và học sinh nộp đơn xin học bổng phải là công dân Iraq sống trong nước được hai năm tính đến ngày nộp đơn.
Ngoài ra, sinh viên bắt buộc phải quay về phục vụ đất nước của mình một khoảng thời gian bằng với thời gian họ du học để hạn chế tối đa tình trạng chảy máu chất xám. Người được chọn cũng phải đồng ý với cam kết sẽ hoàn trả toàn bộ các khoản phí được học bổng chi trả nếu không trở về nước. Để việc tổ chức được thuận lợi hơn, Hiệp hội Iraq và các trường đại học Mỹ đã được thành lập. Hiệp hội này bao gồm 22 trường đại học Mỹ đóng vai trò thành viên sáng lập, tuy nhiên trong tương lai sẽ mở rộng ra tất cả các học viện giáo dục bậc cao có uy tín tại Mỹ. Việc này sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên Iraq cũng như củng cố khả năng được nhận vào trường bằng cách hỗ trợ cho các ứng viên hội đủ các yêu cầu nhưng cần cải thiện khả năng Anh ngữ của mình. Sinh viên sẽ được tư vấn về việc lựa chọn nơi ở cũng như các chi tiết khác. Sau đó, họ sẽ vào học và nhận visa theo dạng du học để đảm bảo rằng họ sẽ trở về Iraq.
Phần thứ hai của kế hoạch đề cập đến việc tiến hành thanh tra toàn bộ hệ thống giáo dục của Iraq. Đặc biệt, sẽ tập trung vào việc tái cấu trúc cơ sở hạ tầng của các trường đại học như xây dựng các phòng thí nghiệm, phòng thực hành mới bên cạnh việc thiết lập hệ thống kết nối internet.
Với vai trò Trưởng bộ môn Khoa học và Quan hệ công chúng của Trường Đại học Babylon kiêm Quản lý Hội đồng chuyên môn giáo dục Iraq, ông Sattar Sadkhan Almaliky cho rằng xây dựng cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu do hầu hết các trường đại học ở Iraq đều bị hủy hoại nghiêm trọng trong chiến tranh. Còn ông Malik Alasmar, một nhà nghiên cứu người Iraq thuộc Trường Đại học Ghent tại Bỉ thì vui mừng trước sự phát triển này: “Bước khởi đầu này là một cột mốc quan trọng trong việc xây dựng nền giáo dục bậc cao và hệ thống chuyên môn. Bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực cho việc tái cấu trúc và giải quyết những khúc mắc tại đất nước này, Iraq cần phải bảo vệ những nhà khoa học của họ. Những nỗ lực hiện tại được thực hiện cũng nhằm khuyến khích những người dân biệt xứ, di cư trở về nhà. Những con số thống kê cho thấy 350 ngàn người (tương đương 17%) trong số 2 triệu người dân Iraq đã ra nước ngoài sinh sống trong những năm gần đây”.
Ông Alasmar cho biết thêm: “Điều này có thể thành hiện thực nếu tăng cường an ninh cũng như hình thành những trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyên môn tại các trường đại học để xác định chính xác những nhu cầu chuyên môn. Những trung tâm này tạo ra những website điện tử cho việc tuyển sinh từ nước ngoài, đưa ra những đặc điểm nổi bật, khả năng tiếp cận và kết nối các trung tâm với nhau”.
Hilmi Salem, một nhà tư vấn giáo dục cao cấp ở Viện Nghiên cứu phát triển Palestine nêu lên quan điểm: “Mặc dù học bổng và các chương trình trao đổi học sinh đóng vai trò quan trọng, nhưng củng cố công tác xây dựng nền giáo dục bậc cao cũng như chăm lo cho nguồn nhân lực địa phương là phương thức hiệu quả nhất để đảm bảo cho sự ổn định, sự phát triển kinh tế và an ninh trong tương lai”.
“Thay vì tiêu tốn hàng tỉ đôla cho các trường đại học Mỹ, ngân sách nên được dùng để giải quyết những vấn đề mà các trường đại học Iraq gặp phải: khó khăn trong quản lý bởi tình trạng an ninh, cải cách hệ thống giáo dục bậc cao và vượt qua các thử thách trong việc tái cấu trúc và tăng cường tiềm lực đất nước.” Salem cho biết thêm.
(Theo universityworldnews)
Xuân Chi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)