Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Iraq – Israel: Những cái nhìn mới trong việc dạy lịch sử

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người dân Iraq không muốn Saddam Hussein xuất hiện trong sách sử của các em học sinh học (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Khi cuộc chiến ở Iraq trở nên sôi động, ác liệt, giáo viên dạy sử May Abul Wahab không có quyền dạy học sinh bất cứ điều gì liên quan đến cuộc chiến ở đất nước mình cũng như về chế độ Saddam Hussein bị lật đổ.
Theo bà Wahab, hiệu trưởng một trường học ở Bagdad, không một sự kiện nào được nêu ra một cách chính thức. Tuy nhiên, cũng như mọi người dân Iraq khác, bà không muốn Saddam Hussein xuất hiện trong sách sử. Suốt hơn 30 năm trước đây, khi mà Saddam Hussein đang còn nắm quyền, nền giáo dục – và đặc biệt là lịch sử – luôn luôn là một công cụ để nhồi nhét chủ thuyết, quan điểm chính trị, xã hội của Đảng Bass và là một phương tiện để tôn vinh, sùng bái cá nhân Saddam Hussein. Sau 7 năm chiến tranh, nhiệm vụ lập lại sự thực lịch sử trong giảng dạy lại vấp phải những thủ đoạn chính trị và nỗi sợ hãi trước những xung đột tôn giáo dẫn đến những cuộc tắm máu đau thương ở Iraq. Ông Khazi Mutlaq, phụ trách chỉnh lý chương trình học của Iraq, nói: “Chúng tôi cố tránh những vấn đề nhạy cảm, ví dụ những sự kiện của năm 2003, khi Mỹ đổ bộ lên Iraq”. Có người gọi đó là “chiến dịch tự do”, mà cũng có người gọi đó là “sự xâm lược”. Vì vậy sự kiện này không xuất hiện trong chương trình. Chính phủ Iraq có ý định xây dựng lại chương trình học. Chắc là không thể hoàn thành trước năm 2012. Ông Mohammed Al-Jawahri, Phó giám đốc ở Bộ Giáo dục Iraq, nói: “Tuy cùng là Hồi giáo nhưng có rất nhiều dị biệt trong các quan niệm, thủ tục tôn giáo. Lấy ví dụ như cách cầu kinh. Người theo dòng Si-tơ thì hai tay duỗi thẳng phía dưới. Người theo dòng Su-ni thì khoanh tay. Thầy giáo khi đề cập đến những vấn đề xã hội phải tránh né không để gây ra những sự tranh cãi, hiểu lầm mất đoàn kết đáng tiếc”. Ông nói tiếp: “Xã hội Iraq chưa hề biết đến một nền giáo dục trong đó những ý kiến khác nhau được tôn trọng bình đẳng”.
Sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein vừa qua được nêu ra một cách rất ngắn gọn trong sách giáo khoa sử ở bậc phổ thông. Về sự kiện này sách chỉ nói “chế độ cũ”, hay là “nền độc tài”. Khi một học sinh nêu ra những câu hỏi về cuộc chiến, một số giáo viên làm lơ như không để ý, chuyển một cách khéo léo qua vấn đề khác. Cũng có người cho đó là một dịp để khơi mào cho một cuộc tranh luận, dù làm như vậy là họ đã vượt qua điều quy định mà người ta đã áp đặt cho giáo viên. Dù Nhà nước Iraq hiện nay cố tình tránh né thực chất chính trị của cuộc chiến tranh, nhưng nhiều giáo viên cũng bức xúc bày tỏ chính kiến của mình.
Trong khi đó, sách giáo khoa môn sử của Israel thay đổi không ngừng nhưng Bộ Giáo dục vẫn kiên trì giữ lại một điểm chung, đó là tinh thần và quan điểm bất di bất dịch về tinh thần yêu nước hẹp hòi, hời hợt, gạt bỏ hết mọi yêu cầu làm sáng tỏ những sự kiện lịch sử quan trọng không thể thiếu trong một sách giáo khoa dùng trong trường học, giúp học sinh hiểu một cách đúng đắn lịch sử của đất nước mình, dân tộc mình.
Sách giáo khoa đã được viết lại. Những quan điểm của Palestine bị xóa bỏ. Trong sách chỉ còn lại những sự kiện đánh dấu sự thắng lợi liên hệ đến việc thành lập Nhà nước Do Thái. Những hiệp ước Oslo được ký giữa Israel và Mặt trận Giải phóng Palestine cũng bị bỏ, xem như không có.
Việc nghiên cứu sự kiện Shoah (sự kiện phát xít Đức sát hại hàng triệu người Do Thái khắp châu Âu trong chiến tranh thế giới lần thứ hai) bị tách ra, không còn liên hệ gì đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít châu Âu, và từ nay chỉ được xem xét trong mối liên hệ tổng quát với “sự củng cố tính đồng nhất Do Thái”.
Hiện nay sách giáo khoa về “giáo dục công dân” đã được thay đổi, vì theo nhà chính quyền, lâu nay “sách đã có một cái nhìn nặng tính phê phán nhà nước”, hơn nữa, sách còn nói “từ ngày thành lập, Nhà nước Do Thái theo đuổi một chính sách phân biệt đối với công dân A-rập” mà theo Bộ Giáo dục đó là luận điệu thù hằn chống Do Thái. Bộ Giáo dục cũng xóa bỏ cách nhìn có tính phê phán lịch sử sionit (phân biệt chủng tộc) của Nhà nước Do Thái trong suốt 50 năm qua và cuộc xung đột Israel – Palestine cũng không được nói đến.
Từ nay học sinh chỉ được có một cái nhìn chính thống về quá khứ do Nhà nước quy định, là điều mà các em cảm thấy vô lý vì nó cản trở, triệt tiêu khả năng phát triển trí tuệ, tính sáng tạo của con người trí thức.
(Theo Courrier international số 10-2010)
Phan Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)