Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

ISEF 2011: Đội Việt Nam trải qua kỳ sát hạch “khốc liệt”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 11/5, đội dự thi VN cùng hơn 1.500 thí sinh đã trải qua kỳ sát hạch căng thẳng từ 8 giờ sáng tới tận 6 giờ tối. Toàn bộ khu vực kiểm tra được phong tỏa kín, nội bất xuất ngoại bất nhập, kể cả các nhà báo, chỉ còn lại thí sinh và BGK.

Quả là đúng phong cách “học ra học, chơi ra chơi”, sau cả ngày vất vả, tối hôm đó các thí sinh đã được một chuyến giải trí “đã đời” ở phim trường Universal kéo dài tới tận nửa đêm. Ban tổ chức ISEF đã thuê đứt cả phim trường khổng lồ, vốn là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Los Angeles và luôn đông nghẹt du khách, trong suốt tối để các thí sinh cùng các thành viên trong đoàn của họ vui chơi, ăn uống, giao lưu thỏa thích. Các nhà báo cũng bị “cấm cửa” luôn ở sự kiện này, có lẽ để đảm bảo thí sinh được giải trí thực sự thay vì bị lôi kéo vào những cuộc phỏng vấn mệt mỏi.

Nguyễn Hải An giới thiệu về công trình của mình với khách tham quan
Mãi tới sáng 12/5 (giờ Mỹ), tức tối 12/5 (giờ Việt Nam), chúng tôi mới được dịp tiếp cận các thí sinh một cách thoải mái, đầy đủ, ở khu vực trưng bày công trình của họ. Nguyễn Hải An (TPHCM), Hà Thúc Tiến, Đoàn Phạm Phước Long (Huế) đều hào hứng nhớ lại tham gia chơi các trò cảm giác mạnh ở Universal ra sao, và gặp gỡ, làm quen được nhiều bạn bè tuyệt vời đến từ khắp thế giới thế nào…
Kể về ngày sát hạch, Tiến cho biết, mặc dù lượng thí sinh rất lớn, nhưng cách sắp xếp sát hạch rất khoa học và đảm bảo tính sát sao, nghiêm túc. Từng giám khảo (GK) đến làm việc với các bạn trong 15 phút và "căn vặn" hết sức cặn kẽ về mọi khía cạnh liên quan đến công trình. Họ ghi chép rất tỉ mỉ để đưa ra những đánh giá chi tiết cho việc chấm giải. Ngoài 8 GK cho các giải thưởng chính, còn có các giải đặc biệt do các công ty, tổ chức, cơ quan chính phủ trao riêng, và họ cũng có GK riêng. Các thí sinh cũng phải tiếp từng GK này và thuyết phục họ về công trình của mình. 
Tùy mức độ quan tâm của các giám khảo giải đặc biệt mà mỗi thí sinh có thể phải trả lời số GK khác nhau. Long cho biết, có 10 GK giải đặc biệt đã tới hỏi em và Tiến, trong đó có đại diện của Đại học Kỹ thuật Florida, Học viện Hải quân Mỹ và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). 
Mặc dù có thông dịch viên đi kèm để sẵn sàng giúp đỡ, nhưng tất cả việc hỏi đáp đều được thực hiện trực tiếp bằng tiếng Anh, thông dịch viên chỉ hỗ trợ những lúc cần thiết.  
An, cô bé "vỏ tôm và nước dưa muối", thì nhận định, việc sát hạch chủ yếu là để BGK đánh giá mức độ hiểu biết và nắm vững về đề tài của từng thí sinh, chứ không hẳn là để tìm hiểu thêm về đề tài, vì trước đó họ đã thu thập toàn bộ tài liệu và đã nghiên cứu rất kỹ để hiểu rõ về tất cả các đề tài trong lĩnh vực mà họ được giao chấm. Ngay cả với đề tài dùng vỏ tôm và nước dưa muối để tạo ra chất bảo quản thực phẩm chitosan của An, vốn khiến rất nhiều bạn bè quốc tế thắc mắc không hiểu "dưa muối" là cái gì, thì các vị GK cũng đều tỏ ra nắm rõ. An cho biết, cô tự tin với phần trình bày của mình và trả lời thông suốt mọi chất vấn của BGK. 
Nhận xét về bạn bè quốc tế, các thí sinh Việt Nam đều tỏ ra nể trọng lòng say mê khoa học và trình độ của các bạn. Quả thực, nếu như nhìn vào một vài công trình đơn lẻ, dù là của Việt Nam hay nước khác, hầu hết người lớn đã thấy khâm phục các em, thì khi nhìn toàn cảnh hơn 1.000 công trình đến từ khắp thế giới người ta càng dễ có cảm giác choáng ngợp khi các bạn, dù mới đang ngồi ghế nhà trường, đã tiếp cận và giải quyết những vấn đề hết sức “siêu việt”. 
Chẳng hạn, có bạn nghiên cứu “Thuyết Rối Lượng tử” (Quantum Entanglement), một lý thuyết hết sức phức tạp do Einstein khởi xướng mà hiện đang tiếp tục được các nhà khoa học hàng đầu thế giới theo đuổi. Có bạn nghiên cứu các hạt muon trong tia vũ trụ và tác động của chúng tới trái đất. Có tính ứng dụng gần hơn nhưng cũng không kém phần tiên tiến, có bạn nghiên cứu tác động của từ trường đối với cây trồng; bạn khác lại phát minh giao diện cho phép não người tương tác trực tiếp với máy tính, v.v… 
Tiến cho rằng, mô hình giáo dục ở một số nước, chẳng hạn ở Mỹ, rất đáng học hỏi khi tạo điều kiện cho những học sinh có say mê đặc biệt về một lĩnh vực nào, có thể tập trung nghiên cứu rất sâu ngay từ trung học. Theo Tiến, mặc dù mặt bằng chung các trường, lớp chuyên ở ta cao hơn ở nước bạn, nhưng lại dàn trải, chưa tạo đủ điều kiện để một số cá nhân có thể đi sâu hơn nữa. Hơn nữa, đối với các môn khoa học như Toán, Lý, Hóa, Sinh…, trong khi ở Mỹ học sinh được hướng cho chú trọng vào hiện tượng, thì ở ta hầu như chỉ tập trung vào nhớ công thức và khi đi thi chỉ cần lắp công thức vào đề bài là ra đáp số, mà không hiểu rõ bản chất hiện tượng. 
Có mặt tại ISEF 2011 để động viên đội Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển và ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, bày tỏ sự vui mừng trước việc các học sinh Việt Nam có cơ hội cọ xát về khoa học với bạn bè các nước trong một cuộc thi tầm cỡ và vô cùng bổ ích. Tuy nhiên, các ông cũng bày tỏ tâm tư rằng sự hiện diện của chúng ta tại đây còn mỏng, và mong muốn rằng Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa để các năm sau có được nhiều thí sinh dự thi các cuộc thi cấp địa phương và quốc gia hơn, để từ đó chọn được nhiều đại diện dự thi ISEF hơn, với chất lượng ngày càng cao hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu. 
Từ 7-9 giờ tối 12/5 (tức 9-11 giờ sáng 13/5 giờ Việt Nam) sẽ diễn ra lễ trao các giải đặc biệt của ISEF 2011. Sau đó, từ 9 giờ sáng – 12 giờ trưa 13/5 (tức 11 giờ đêm 13/5 – 2 giờ sáng 14/5 giờ Việt Nam) sẽ diễn ra lễ trao giải chính thức. Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật về các sự kiện này.
ISEF là sự kiện khoa học quốc tế lâu đời và uy tín nhất thế giới dành cho học sinh trung học, do Hội Khoa học và Công chúng Mỹ tổ chức từ năm 1950. Từ năm 1997 tới nay, Intel liên tục là nhà tài trợ chính của cuộc thi.
17 lĩnh vực tranh tài của ISEF: 
– Động vật học
– Khoa học trái đất và hành tinh
– Toán học
– Hành vi học và Xã hội học
– Năng lượng và Giao thông
– Y học và Sức khỏe
– Hóa sinh
– Kỹ thuật: Điện tử và Cơ khí
– Vi sinh học
– Sinh học phân tử và tế bào
– Kỹ thuật: Vật chất và kỹ sinh học
– Vật lý và Thiên văn
– Hóa học
– Quản lý môi trường
– Thực vật học
– Khoa học máy tính
– Khoa học môi trường
 Tuấn Anh/ Dan tri
(Từ Los Angeles)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)