Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Israel: Cuộc cách mạng lặng lẽ trong giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Các trẻ em theo đạo Do Thái, đạo Hồi và đạo Thiên Chúa đều học và chơi chung trong trường

Nằm kín đáo cuối một bãi đậu xe hơi, giữa bên nhà một người Do Thái và một người Arab, Trường Tay Trong Tay của Jerusalem đang đem lại hiệu quả về quan hệ Arab-Do Thái trong một cuộc cách mạng lặng lẽ.
Ở Israel, gần như tất cả mọi cơ sở giáo dục đều bị phân biệt – người Arab trong một trường, người Do Thái trong một trường khác.
Nhưng tại Trường Tay Trong Tay Max Rayne ở Jerusalem, mỗi nhóm đều chiếm đúng phân nửa sĩ số học sinh.
Mới đây trường tăng kích cỡ, và hiện có 460 trẻ theo học tại khuôn viên lớn nhất nằm tại vùng ngoại ô Patt thuộc mạn nam Jerusalem. Các trẻ em người Do Thái và Arab Israel ngồi bên nhau cùng học cả tiếng Hebrew và tiếng Ả Rập.
Triết lý của trường rõ ràng là tạo tình cảm và hiểu biết chân thật.
Jamie Bregman, học sinh Do Thái Israel, nay 15 tuổi và đang học lớp chín, một trong những học sinh theo học từ những ngày đầu mở trường, nói: “Lớp trẻ cần gặp gỡ phía bên kia nhiều hơn”.
Nếu người ta hỏi một đứa nhỏ bình thường nào đó “Một người Arab là gì?”, câu trả lời có thể là một công nhân hoặc một kẻ đánh bom tự sát, và điều này không đúng chút nào. Một học sinh trong Trường Tay Trong Tay sẽ trả lời: “Đó là người như chúng ta, một con người. Họ cũng cần gặp gỡ lẫn nhau để tìm hiểu”.
Tổng tuyển cử ngày thứ ba 10-2-2009 rõ ràng ảnh hưởng lên tâm hồn bọn trẻ.
Bạn của Jamie, Aboud Ayyad, 14 tuổi, đặc biệt lo ngại về điều gì sẽ xảy đến đối với cậu, những bạn bè người Arab và gia đình. Cậu nói: “Những cuộc bầu cử không mang lại gì nhiều cho cả hai phía. Nếu Tzipi (Livni) hoặc Bibi (Binyamin Netanyahu) thắng, họ cũng đều làm y như nhau và sẽ mang lại điều xấu cho người Arab”.
Chọn lựa khó khăn
Aboud ước tính trong vòng từ 10 đến 15 năm tới nhiều người Arab sẽ rời Israel và lãnh thổ Palestine bởi sẽ ngày càng khó di chuyển và làm việc, nhất là ở vùng Bờ Tây và Gaza.
Theo cậu: “Họ sẽ đến Canada hoặc Mỹ và Israel sẽ trở nên nhiều người Do Thái hơn”.
Avery Burrows, 12 tuổi, đã có nhiều ý tưởng về chính trị.
Cô nói mình không bàn nhiều về chính trị với cha mẹ, họ từ Mỹ đến Israel. Nhưng khi ngồi nghịch tóc của cô bạn người Arab Areen Nasheef, cô bé tỏ ra cứng rắn với những nhà chính trị của đất nước. Cô ngang ngược nói: “Không có ai thật sự đủ tốt để điều hành đất nước này”.
Về Avigdor Lieberman, lãnh đạo Đảng quốc gia cực đoan Yisrael Beiteinu, cả Jamie, Aboud, Avery và Areen đều đồng ý.
Những chính sách cứng rắn của Avigdor Lieberman về an ninh và thiểu số người Israel-Arab đã trở nên phổ biến khi Israel mở cuộc hành quân mới đây ở Gaza và trong cuộc bầu cử vừa rồi.
Chính sách của ông bao gồm dự thảo một đạo luật yêu cầu người Israel-Arab tuyên thệ trung thành với Israel như một nhà nước Do Thái.
Jamie vừa nói vừa lắc đầu: “Avigdor Lieberman không nên ở đất nước này. Ông ấy là một người phân biệt chủng tộc và mọi người không nên bầu cho ông”.
Areen rõ ràng khó chịu: “Nó khiến tôi muốn bệnh, những gì ông ấy nói về Arab. Ông ấy nói chúng tôi không có quan hệ gì với Israel, và muốn đẩy chúng tôi ra khỏi vùng đất vốn thuộc về chúng tôi trước. Không hiểu bằng cách nào họ lại chiếm phần quan trọng nhất của xứ sở này và biến nó thành chỉ một nhà nước Do Thái?”.
Ở tuổi 12, Areen đã biết được cảm nhận của người Arab-Israel, chiếm 20% dân số, nhưng không được đại diện trong tất cả những cơ quan công quyền, kể cả ở Knesset, quốc hội của Israel.
Areen nói: “Tôi không trách gì những bạn bè Do Thái về những gì đã xảy ra hồi năm 1948, nhưng tôi cảm thấy điều này chính là tôi trước đây. Tôi sinh ra, lớn lên ở đây và tôi là một công dân. Nhưng mỗi khi tôi cảm giác mình yêu thích đất nước, tôi lại cảm giác mình không thể bởi họ chiếm đất nước này từ ông bà của tôi và họ giết mọi người”. 
Mustafa Hssean học cùng lớp với Jamie trong suốt 9 năm qua và cả hai chia sẻ tình bạn chân thành.
Nhưng quan điểm của Mustafa về xung đột mới đây ở Gaza rất rõ ràng.
Cậu nói, vẻ nhẫn nhục: “Tôi nghĩ cả hai bên đều ngốc nghếch. Mỗi khi Hamas bắn tên lửa đến Sderot người Do Thái thêm thù hận người Arab, và mỗi khi người Do Thái thả bom xuống Gaza, người Arab thêm ghét người Do Thái”.
Lo sợ lớn nhất của cậu là 15 năm nữa, nhà nước sẽ quẳng cậu và cộng đồng Arab ra khỏi Israel, tuyên bố rằng đây không phải đất của họ.
Quang Hùng (theo AFP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)