Sau Mỹ, Trung Quốc và Nga, Israel là quốc gia thứ tư phóng tàu vũ trụ lên Mặt trăng. Dự kiến con tàu chạm bề mặt Mặt trăng vào ngày 11/4.
Theo Reuters, tàu vũ trụ này được công ty tư nhân SpaceIL phối hợp với Israel Aerospace Industries phát triển với chi phí chỉ 100 triệu USD. Nó được đặt tên Beresheet, nặng gần 600kg (bao gồm cả nhiên liệu).
Nếu chạm xuống thành công trên bề mặt Mặt trăng, nó sẽ là tàu vũ trụ nhỏ nhất và rẻ nhất từng đến Mặt trăng vàbiến Israel thành quốc gia thứ tư hạ cánh tàu vũ trụ trên Mặt trăng, cùng với Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Hình ảnh tàu vũ trụ Beresheet chụp ngày tháng 12/2018 tại Yehud, phía đông Tel Aviv
Những người sáng tạo nói Beresheet có giá cả và trọng lượng thấp vì nó không được trang bị các hệ thống thiết bị phức tạp và trùng lặp. Có nghĩa là nếu có gì đó không ổn xảy ra trong hành trình, nhiệm vụ có thể sẽ không thành công.
Trên thực tế, các chuyên gia thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) rất ấn tượng với Beresheet bởi thiết kế hiệu quả về chi phí và đang xem xét biến nó thành nguyên mẫu để sản xuất các tàu thăm dò Mặt trăng trong tương lai.
Trong một cuộc họp báo hôm 18/2 ở Tel Aviv, giám đốc điều hành Space SpaceIL, Ido Antwise cho biết: "Đây là sự kiện rất đặc biệt của Israel. Lần đầu tiên một quốc gia nhỏ phóng tàu thăm dò Mặt trăng và lại được tài trợ bởi tư nhân. Sự kiện này sẽ mở ra những chân trời mới cho việc nghiên cứu Mặt trăng và các cơ hội thương mại".
Thông thường, các loại dự án này đến từ các cơ quan chính phủ của các siêu cường quốc lớn.
Sau khi hạ cánh xuống Mặt trăng, nhiệm vụ của Beresheet dự kiến sẽ chỉ kéo dài một vài ngày trước khi tia cực tím mặt trời phá hủy các hệ thống liên lạc quan trọng của nó.
Các nhà khoa học hi vọng trong thời gian này nó có thể gửi lại dữ liệu có giá trị liên quan đến từ trường của Mặt trăng, có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức mà vệ tinh tự nhiên của Trái đất được hình thành.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)