Gần 800.000 người đã phải sơ tán kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch quân sự ở TP Rafah tại Dải Gaza hôm 6-5, theo một cơ quan Liên Hiệp Quốc
Nội các thời chiến của Israel đang bị rạn nứt sau khi cựu Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Benny Gantz vừa đưa ra tối hậu thư cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Nội các này gồm 3 thành viên: Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và ông Gantz.
Cụ thể, theo tờ The Times of Israel, ông Gantz đã yêu cầu nhà lãnh đạo Israel đưa ra một kế hoạch hành động rõ ràng liên quan giai đoạn hậu xung đột ở Dải Gaza. Ông Gantz nhấn mạnh nếu điều này không xảy ra trước hạn chót là ngày 8-6, ông sẽ rút lui.
Theo ông Gantz, nội các thời chiến phải xây dựng và phê duyệt một kế hoạch hành động nhằm đạt 6 mục tiêu chiến lược, trong đó có việc đưa con tin trở về; lật đổ nhóm vũ trang Hamas và giành quyền kiểm soát an ninh Dải Gaza; tạo hệ thống hành chính dân sự tạm thời cho Gaza với các đại diện của Mỹ, châu Âu, Ả Rập, Palestine; thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Saudi…
Từ trái qua: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và ông Benny Gantz. Ảnh: Reuters
Văn phòng Thủ tướng Israel đã bác bỏ lời đe dọa trên của ông Benny Gantz khi nhấn mạnh tối hậu thư của ông sẽ gây hại cho đất nước. Theo đài CNN, tuyên bố của văn phòng này nhấn mạnh các điều kiện của ông Gantz phát đi thông điệp rõ ràng là chấm dứt xung đột và Israel chịu thất bại, bỏ rơi hầu hết con tin, không thể xóa sổ Hamas và dẫn đến việc thành lập một nhà nước Palestine.
Trước đó vài ngày, ông Gallant cũng kêu gọi ông Netanyahu đề ra kế hoạch hậu xung đột vì cho rằng việc thiếu một kế hoạch như thế đang làm xói mòn những thành quả đạt được.
Sức ép gia tăng lên Thủ tướng Israel giữa lúc quân đội nước này tiến sâu hơn vào một số khu vực phía Bắc Dải Gaza. Còn tại TP Rafah ở miền Nam, gần 800.000 người đã phải sơ tán kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch quân sự hôm 6-5.
Ông Philippe Lazzarini, Tổng ủy viên Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hiệp Quốc dành cho người Palestine (UNRWA), hôm 18-5 cho biết thông tin trên, đồng thời nói thêm số người này chủ yếu di chuyển đến các khu vực ở miền Trung Dải Gaza và TP Khan Younis.
Theo ông Lazzarini, những người rời Rafah phải chịu nhiều nguy hiểm trên đường đi vì không có hành lang an toàn nào được tổ chức. Ngoài ra, những khu vực họ đến không có nước sạch hoặc công trình vệ sinh.
Chẳng hạn, ông Lazzarini mô tả thị trấn Al-Mawassi, nơi IDF trước đó tuyên bố mở khu vực nhân đạo mở rộng và yêu cầu người dân Rafah sơ tán đến, là một vùng đất nông nghiệp diện tích 14 km2, có rất ít nhà cửa hoặc đường sá. Thị trấn này là nơi trú ngụ của khoảng 400.000 người trước khi lệnh sơ tán mới được đưa ra tại Rafah.
Nhân dịp này, theo trang UN News, ông Lazzarini đã kêu gọi tăng cường bảo vệ dân thường, bảo đảm tiếp cận nhân đạo an toàn và cuối cùng là ngừng bắn tại Dải Gaza.
Cũng trong này 18-5, Áo tuyên bố nối lại tài trợ cho UNRWA sau khi hoạt động này bị đình chỉ do xuất hiện cáo buộc UNRWA liên quan vụ tấn công của Hamas nhằm vào Israel hồi tháng 10-2023. Áo đưa ra quyết định trên sau khi UNRWA công bố kế hoạch hành động nhằm bảo đảm tốt hơn tính công bằng, tăng cường đánh giá nội bộ và cải thiện giám sát nhân viên. Áo đã dành ngân sách 3,7 triệu USD để tài trợ cho hoạt động của UNRWA trong năm 2024.
Nỗ lực ngoại giao mới của Mỹ Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đến Israel ngày 19-5 để thảo luận với Thủ tướng Benjamin Netanyahu và một số quan chức cấp cao khác của nước chủ nhà về tình hình tại TP Rafah. Tại các cuộc gặp, ông Sullivan cố gắng thuyết phục Israel không mở chiến dịch quân sự trên bộ quy mô lớn nhằm vào nhóm vũ trang Hamas tại Rafah. Cùng ngày, ông Sullivan đã gặp Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tại TP Dhahran. Theo hãng thông tấn Ả Rập Saudi, hai bên đã bàn về những gì đang thực hiện liên quan vấn đề Palestine nhằm hướng tới giải pháp hai nhà nước. Họ cũng đề cập những diễn biến mới nhất tại khu vực, trong đó có xung đột tại Dải Gaza và cứu trợ nhân đạo tại đây. Một nội dung thảo luận quan trọng khác là dự thảo các thỏa thuận chiến lược giữa hai nước. Một số nguồn tin cho hãng tin Reuters biết hai bên sắp hoàn tất thỏa thuận về việc Mỹ bảo đảm an ninh và hỗ trợ về hạt nhân dân sự cho Ả Rập Saudi. Ngoài ra, Washington dự kiến còn chia sẻ công nghệ mới nổi với Riyadh, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Theo giới phân tích, Ả Rập Saudi đang tìm cách đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải theo một kế hoạch dài hạn đầy tham vọng. Ngoài ra, nước này có thể muốn có chuyên môn về hạt nhân phòng khi một ngày nào đó muốn có vũ khí hạt nhân. Hoàng Phương |
Theo Anh Thư/NLĐO
Bình luận (0)