Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ít doanh nghiệp tham gia sản xuất ô tô tải, giấy, kính

Tạp Chí Giáo Dục

Rất nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, phân phối… trong nền kinh tế đã được mở cửa khá đầy đủ và cạnh tranh khá cao nhưng trong thời gian qua, rất ít doanh nghiệp mới tham gia một số lĩnh vực sản xuất như ô tô tải, giấy, kính xây dựng.

Đây là kết quả của “Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế” lần thứ 2 được Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) công bố hôm 12-12 tại Hà Nội. Các lĩnh vực được lựa chọn điều tra lần này gồm phân phối dược phẩm, bảo hiểm nhân thọ, truyền hình trả tiền, vận tải biển, quảng cáo, ô tô tải, bột giặt, giấy, dầu thực vật, kính xây dựng.

Dây chuyền của một doanh nghiệp sản xuất kính xây dựng ở TPHCM.

Ảnh: Lê Toàn.

Báo cáo xem xét và đánh giá quy mô của thị trường; rào cản gia nhập và rút lui khỏi thị trường; cấu trúc thị trường và thực trạng hoạt động cạnh tranh trên thị trường, qua đó nhận diện các hành vi phản cạnh tranh đã, đang và có khả năng xuất hiện trên thị trường trong từng lĩnh vực được đánh giá.

Ngoại trừ phân phối dược phẩm là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài chỉ được nhập khẩu, không được trực tiếp phân phối mà phải ủy thác phân phối, 9 lĩnh vực còn lại đều không có những rào cản pháp lý hay thể chế có thể gây cản trở cạnh tranh.

Theo phân tích của Cục quản lý cạnh tranh, các lĩnh vực sản xuất ô tô tải, giấy, kính xây dựng, bột giặt và dầu thực vật đều là các ngành công nghiệp có quy mô thị trường tương đối lớn, tiềm năng và đều đòi hỏi về công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và tiềm lực tài chính. Chính vì vậy, mặc dù số lượng các chủ thể tham gia trên thị trường, trong đó có cả doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại trong 5 lĩnh vực trên là lớn nhưng tương đối ổn định. Ổn định về số lượng doanh nghiệp cũng như về vị trí 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường.

Tuy vậy, cả 5 lĩnh vực đều đòi hỏi vốn, công nghệ và phải đáp ứng một số các tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều này không tạo ra rào cản một cách trực tiếp nhưng chỉ có các doanh nghiệp lớn, có tiềm năng về tài chính mới hội tụ đầy đủ các yếu tố để gia nhập thị trường của các lĩnh vực này, nếu xét với các doanh nghiệp sản xuất.

Vấn đề của các nhà sản xuất ô tô tải, kính xây dựng, sản xuất bột giặt… đang phải đối mặt hiện nay là các mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho các sản phẩm thành phẩm và nguyên liệu đầu vào đã làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất với sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Cụ thể như thuế suất ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN) đối với dầu nguyên liệu và dầu thực vật thành phẩm áp dụng từ đầu năm 2012, sẽ làm giảm sự cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất dầu thực vật, hay việc cắt giảm thuế suất của ô tô theo lộ trình AFTA (giảm về mức 0-5% vào năm 2018).

Trong 5 lĩnh vực trên cũng có thể thấy ngoài các rào cản tự nhiên như nguồn lực, công nghệ, hiệu quả kinh tế nhờ quy mô (điển hình ở lĩnh vực kính xây dựng, đòi hỏi mặt bằng lớn hàng chục héc ta trở lên), những khó khăn đặt ra với những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường khi tiếp cận nguyên liệu thô hoặc các kênh phân phối cũng được coi là những rào cản tự nhiên mà các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường phải đối mặt.

Có thể nói mức độ cạnh tranh trong 5 lĩnh vực sản xuất là khá cao với thực tế chứng minh là lượng hàng tồn kho trong một số lĩnh vực là lớn như kính xây dựng, giấy. Trong lĩnh vực bột giặt, cũng do sức ép cạnh tranh lớn nên doanh nghiệp mặc dù có thị phần lớn vẫn phải duy trì chiến dịch quảng cáo lâu dài để ổn định thị phần. Với lĩnh vực dầu thực vật, ô tô tải mức độ cạnh tranh cũng đang gia tăng khi số lượng các doanh nghiệp thương mại (không sản xuất chỉ nhập khẩu và phân phối) tham gia thị trường ngày càng gia tăng.

Chính vì vậy, trong 5 lĩnh vực trên, số lượng doanh nghiệp sản xuất mới gia nhập thị trường là rất ít và hầu như số lượng các doanh nghiệp này không thay đổi trong thời kỳ khảo sát của báo cáo, từ 2009- 2012. Thậm chí là số lượng còn ít đi như lĩnh vực giấy, kính xây dựng vì hàng tồn kho và khả năng khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Năm lĩnh vực kinh doanh khác là phân phối dược phẩm, vận tải biển, bảo hiểm nhân thọ, quảng cáo và truyền hình trả tiền thì số lượng các chủ thể tham gia thị trường khá đông và liên tục gia tăng song những doanh nghiệp chiếm các vị trí dẫn đầu thị trường thường là các doanh nghiệp nước ngoài.

Như trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp nước ngoài đều ở vị trí dẫn đầu thị trường, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có Bảo Việt.

Tương tự trong lĩnh vực vận tải biển và quảng cáo đa phần các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cũng là các doanh nghiệp nước ngoài và đều là công ty con/chi nhánh của các tập đoàn lớn trên thế giới trong hai lĩnh vực này. Trong hai lĩnh vực này hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều làm nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp nước ngoài do tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực, trình độ quản lý và kinh nghiệm đều chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

(TBKTSG Online)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)