Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ít nhất phải vững được một nghề…

Tạp Chí Giáo Dục

Học kinh doanh thì phải biết bán hàng; tương tự, học kế toán thì phải biết làm sổ sách, báo cáo thuế; học kiến trúc cần biết thiết kế, xây dựng… Người lao động làm giỏi một công việc cụ thể (có chuyên môn) sẽ đảm bảo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Huỳnh Văn Minh. Ông Minh nêu thực trạng, lượng SV tốt nghiệp hằng năm khá nhiều nhưng chất lượng không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp. Hiện tượng nhảy việc thường xuyên đã phần nào thể hiện sự chênh lệch về chất giữa người lao động và nhu cầu doanh nghiệp. Theo ông Minh, trong điều kiện hệ thống giáo dục chưa đào tạo hiệu quả “nhất nghệ” cho SV thì các doanh nghiệp ngoài việc ứng phó bằng những chương trình đào tạo lại thì vẫn… mong chờ nhà trường sẽ bàn giao cho xã hội những lứa SV làm giỏi được ít nhất một nghề cụ thể ghi trên bằng tốt nghiệp.
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, chưa đến 10% người giỏi chuyên môn thành công trong kinh doanh và điều hành doanh nghiệp. Trong khi thực tế, nhiều người khi giỏi nghề thay vì dành thời gian tập trung phát triển đến đỉnh cao nghề nghiệp chuyên môn thì lại muốn lập công ty riêng và để thành công, họ phải trang bị thêm những nghề hoặc lĩnh vực kiến thức mới như quản lý, kinh doanh… gây nên sự lãng phí lớn. Chưa nói, doanh nghiệp lại phải mất thêm thời gian, công sức, chi phí để tìm mới, đào tạo lại những người giỏi chuyên môn khác.
Nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay là lực lượng lao động vững tay nghề và có mức hiểu biết nhất định ở một số lĩnh vực liên quan khác. TS. Lê Viết Hải (Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình) cho rằng: “Nghề nào, lĩnh vực nào là sở trường thì hãy chọn để làm cho thật tốt. Không nên ôm đồm nhiều lĩnh vực bởi khi đó sẽ gây bất lợi cho hoạt động chung”. TS. Quách Thu Nguyệt cũng đồng tình, khi yêu quý công việc mình đã lựa chọn, hiệu quả sẽ tăng cao; ý tưởng sáng tạo và lòng yêu nghề sẽ được khơi dậy, củng cố. TS. Nguyệt nhấn mạnh 3 tiêu chí quan trọng dành cho các bạn trẻ trong việc định hướng nghề nghiệp gồm: chọn ngành nghề vừa sức, hợp sở trường; nuôi dưỡng đam mê, yêu quý trân trọng công việc, dấn thân với nghề; sẵn sàng bắt đầu lại nếu chọn sai. TS. Nguyễn Tuấn Quỳnh (Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM) đưa ra 3 nhân tố quan trọng để trở thành người giỏi nhất ở một lĩnh vực là có ước mơ, thầy giỏi và kiên trì luyện tập. “Bên cạnh đó, bạn cũng cần nhanh nhạy nắm bắt cơ hội trong hợp tác, cộng tác với người khác… Ngay cả khi bạn không thích trở thành doanh nhân hoặc chủ doanh nghiệp thì ít nhất bạn sẽ là một người làm thuê xuất sắc và chuyên nghiệp với chế độ đãi ngộ thỏa đáng” – TS. Quỳnh khuyến khích.
Mê Tâm

Bình luận (0)