Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Jeans và môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Khi quyết định mua một chiếc quần jeans bạn thường cân nhắc đến giá tiền, chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng. Tuy nhiên có hàng loạt vấn đề đáng quan tâm khác mà bạn chưa nhận biết được trước và sau khi mang chiếc quần yêu thích về nhà.

Đằng sau một chiếc quần jeans

Năm 2006, Cơ quan quản lý Môi trường – Năng lượng Pháp (ADEME) đã tiến hành một cuộc nghiên cứu thú vị liên quan đến việc đánh giá tác động môi trường qua vòng đời 4 năm của một chiếc quần jeans vải thô xanh truyền thống. Chiếc quần jeans này được mặc 1 lần/ tuần, giặt bằng máy sau mỗi 3 lần mặc và được sử dụng trong vòng 4 năm. Vòng đời của chiếc quần jeans bắt đầu từ những cánh đồng trồng bông vải ở Uzbekistan, Ấn Độ và Ai Cập, sau đó bông được thu hoạch chuyển đến các nhà máy ở Tunisia bằng tàu biển, tàu hỏa, xe tải để quay sợi, dệt, cắt may, nhuộm màu, giặt, hoàn thiện và đóng gói. Cuối cùng chúng được đưa đến các cửa hàng thời trang bán lẻ cho người tiêu dùng và kết thúc vòng đời ở bãi rác.

Đi cùng với các bước này là hàng loạt các tác động tiêu cực đến môi trường ở phía sau bao gồm cả việc tiêu thụ nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và độc tố. Đáng kể nhất là quá trình trồng và thu hoạch cây bông vải. Những cánh đồng bông bao phủ 43 triệu hecta của bề mặt trái đất, tiêu tốn một lượng nước tưới khổng lồ, sử dụng 25% truốc trừ sâu trên thế giới và là thủ phạm gây ra 20.000 cái chết mỗi năm do liên quan đến ngộ độc thuốc trừ sâu. Ngoài ra, chúng ta cần phải xem xét đến tình trạng sức khỏe của các công nhân tại các nước đang phát triển, làm việc 10 giờ mỗi ngày với đồng lương 1 đô la trong điều kiện môi trường lao động bị ô nhiễm bụi vải, hóa chất nhuộm màu.

Người ta cũng tính toán được rằng sau mỗi 3 lần mặc và một lần giặt, một chiếc quần jeans thải ra ngoài môi trường 44 gam khí các-bon. Như vậy sau 4 năm trước khi ra bãi rác, chúng để lại môi trường khoảng 416 kg các-bon. Chỉ tính riêng tại Mỹ, nơi “văn hóa jeans” thịnh hành nhất, mỗi người sở hữu trung bình đến 7 chiếc quần jeans. Chỉ cần làm các phép nhân đơn giản chúng ta sẽ có được một con số xả thải khổng lồ ra môi trường từ những chiếc quần jeans tưởng chừng rất vô hại này.

Thay đổi thói quen

Trong thời buổi khó khăn, quần áo thường có “tuổi thọ” cao do được may vá nhiều lần, chuyền từ người này sang người khác. Tuy nhiên, khi thế giới bước vào thời đại công nghiệp với chủ nghĩa tiêu dùng phát triển, ngành công nghiệp thời trang bùng nổ, thói quen này không còn. Khi tiêu chí mốt được đặt lên hàng đầu thì mức tiêu thụ quần áo tăng đến mức chóng mặt và do đó hành trình của một chiếc quần từ cửa hàng đến khi ra bãi rác được rút ngắn một cách đáng kể.

Jeans là loại y phục không thể thay thế, nhiều người không thể không sử dụng chúng cho nên việc thay đổi thói quen sử dụng quần jeans là điều không tưởng. Nhưng bạn có thể  làm như sau để góp phần giảm thiểu tác hại đến môi trường:

– Mua sản phẩm được sản xuất từ nội địa để tiết kiệm một khoản các ô nhiễm phát sinh từ quá trình vận chuyển.

– Sử dụng loại bột giặt có chất tẩy nhẹ, giặt máy ở chế độ thông thường, tăng tuổi thọ sử dụng của quần áo, mua sắm ít và cân nhắc sử dụng các loại sản phẩm có độ bền cao.

– Với các nhà sản xuất, xu hướng thời trang thân thiện môi trường đang thu hút được một sự quan tâm đặc biệt với vải làm từ bông hữu cơ (với 95% là hữu cơ) từ tre, bắp và sợi gai dầu.

Theo TNO

Bình luận (0)