Theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hơn một năm nghiên cứu, khảo sát thực tế, các chuyên gia tư vấn hàng đầu của Nhật Bản khẳng định, do nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc – Nam sẽ tăng khoảng 3 lần vào năm 2030, nếu cứ giữ nguyên tuyến đường sắt đơn hiện tại, sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu vận tải. Do đó, JICA đưa ra khuyến cáo, nếu để nguyên tuyến đường sắt hiện tại và cải tạo để đẩy tốc độ lên 200 km/h thì tổng mức đầu tư cũng tương đương với xây dựng một tuyến mới. Từ kết quả nghiên cứu, tư vấn Nhật Bản đề xuất hai kịch bản mới cho tuyến đường sắt Bắc – Nam. Một là, cần phát huy tối đa năng lực đường sắt đơn trong giai đoạn 2020-2025 và tiến hành đường đôi hóa cho một số đoạn có nhu cầu cao. Hai là, cần có tuyến riêng cho đường sắt cao tốc mới với lộ trình khai thác vào năm 2041.
Cụ thể, từ nay đến năm 2020, tuyến đường sắt Bắc – Nam sẽ được nâng cấp, cải tạo đảm bảo tốc độ chạy tàu khách 90km/h và tàu hàng 60km/h. Theo đó thời gian chạy tàu sẽ được rút từ 28 giờ xuống còn 25,4 giờ và nâng năng lực chạy tàu từ 32 đoàn lên 50 đoàn/ngày. Tổng mức đầu tư cho phương án này khoảng 1,8 tỷ USD. Đối với các đoạn có nhu cầu vận tải cao, JICA đề xuất làm đường đôi khổ 1m, nhưng có mở rộng bán kính đường cong ở một số điểm để nâng tốc độ tối đa lên 120km/h. Theo đó, thời gian hành trình từ Hà Nội – TP.HCM giảm xuống còn 15,6 giờ, tổng chi phí khoảng 14,5 tỷ USD.
Liên quan hai tuyến đường sắt cao tốc ưu tiên là Hà Nội – Vinh dài 280km và TP.HCM – Nha Trang dài 360km, Đoàn nghiên cứu cho rằng, hai tuyến này sẽ khả thi về kinh tế vào khoảng năm 2030, với tỷ suất nội hoàn kinh tế – EIRR đạt 12%. Tổng chi phí đầu tư của hai tuyến đường ưu tiên này là 21,4 tỷ USD, bằng 6,3% GDP của Việt Nam vào năm 2030. JICA cũng đề xuất, dùng đầu máy, toa xe của Nhật Bản để có thể đạt vận tốc chạy tàu tối đa 320 km/h và có thể tăng lên 350km/h.
N. T
Bình luận (0)