Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Jimmii Nguyễn: Ca sĩ trẻ bon chen, giành giật quá

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 20 năm sáng tác, chỉ hát ca khúc do mình viết, Jimmii Nguyễn thành danh theo lối đi riêng. Anh chia sẻ, đôi khi thấy buồn cười… vì vài người trẻ hôm nay ít biết tôn trọng thế hệ đàn anh mà cứ cố giành giật trong nghề.

– Gần đây, Jimmii Nguyễn dính tin đồn "xù show" ở sân khấu Lan Anh, TP HCM. Thực hư chuyện này thế nào?

Tôi thấy, phần đông ca sĩ sĩ trẻ bây giờ thường coi thế hệ chúng tôi như là những người "tàng hình". Nhiều lúc diễn chung, tôi thường nhường các cô cậu (kể cả các cô cậu chưa có "sao" nào) hát trước. Thấy thế, các em thi nhau giành lấy micro để "nhào" ra sân khấu. Có nhiều hôm, trước cảnh như thế, tôi chỉ biết ngồi im mà cười.

Đêm diễn vừa rồi ở Lan Anh, TP HCM, tôi không biết phải nhường các em đến bao giờ, vì tôi còn phải gặp khán giả ở tụ điểm khác. Tôi đành phải rời sân khấu để đi cho kịp giờ.

Tôi rất buồn vì những người tổ chức kém nghiêm túc đã để xảy ra tình trạng như thế. Họ là nhà tổ chức nhưng luôn bó tay trước sự tranh giành thiếu văn hóa của các cô cậu ca sĩ "nhí".

Ca sĩ Jimmii Nguyễn. Ảnh: P.T.

– Trong "rừng" ca sĩ, nhạc sĩ trẻ, anh định vị chỗ đứng của mình thế nào?

Tôi là một ca nhạc sĩ đã có tên và bây giờ chớm nở cái nụ mà trong giới thường trêu ghẹo anh chị nghệ sĩ đi trước là: có tuổi. Vâng, tôi đang bắt đầu chớm nở nụ hoa "có tuổi" rồi.

Tôi ca hát từ năm 1991. Tính đến nay tròn 20 tuổi nghề. Khoảng thời gian đủ dài để anh em trong nghề nhớ mặt, đặt tên. Người ta bảo "phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi". Ít ai gọi cậu bé non choẹt nào đấy, mặt búng ra sữa, là đẳng cấp, mặc dù cậu ta đã hết sức “gồng” cho ra vẻ có… phong độ. Chúng tôi khác thế hệ nghệ sĩ trẻ ở chỗ đấy.

Thêm nữa, fan của thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ chúng tôi khác hẳn với fan của thế hệ "bò sữa" bây giờ. Tôi cho rằng, fan của tôi là đẳng cấp.

– Cách hát của Jimmii Nguyễn hiện nay thay đổi nhiều, không kỹ càng, luyến láy trong mỗi bài hát. Vì sao vậy?

– Tôi vẫn còn đây. Tôi là ca sĩ, hát lên những lời ca tôi viết. Nên đương nhiên, tôi không bao giờ để mất cảm xúc. Chẳng qua, một số fan trẻ bây giờ chưa có dịp tìm hiểu nhiều về âm nhạc của tôi. Họ đã quen nghe nhạc nền bằng cái đĩa.

Tôi không thể đem phòng thu bỏ vào trong những tụ điểm. Không bỏ đĩa vào hát hoặc nhép trong suốt 20 năm qua là tôi đã cố gắng lắm rồi. Sự thật buồn là, đối với ban tổ chức, không có mợ thì chợ vẫm đông, nên nếu anh không hát theo âm thanh của chúng tôi thì xin mời anh… đừng hát.

Tôi không thể đòi hỏi nhiều hơn nếu như tôi vẫn còn muốn gặp khán giả của mình. Nhưng nếu ai tìm hiểu về tôi, họ sẽ thấy chính tôi ít nhiều đã giúp thay đổi cách nhìn của các phòng trà chuyên nghiệp sau này. Đó là: phòng trà phải có ban nhạc sống! Khi đó người biểu diễn sẽ khác, người nghe cũng thấy khác.

– Với anh, hát là để phục vụ khán giả hay để khẳng định bản thân?

– Chính những người đầu tư hoặc nhà tổ chức chương trình mới có trách nhiệm nghiêm túc phục vụ khán giả và cả tôi nữa.

Không nên dùng từ "phục vụ" với tôi. Tôi đến với nghệ thuật không bon chen. Tôi sẵn sàng hát cho người nông dân, ngư phủ, ông tiều phu hoặc các nạn nhân của thiên tai bão lụt, của chiến tranh, nếu giọng ca của tôi có thể xoa dịu được nỗi đau bất tận của họ.

Đấy là lý do ít khi thấy tôi xuất hiện khắp nơi. Hôm nay tôi hát có người nghe, tôi tiếp tục đến hát. Ngày mai hát, không còn ai đến nghe, tôi về nhà hát một mình hoặc cho bà con tôi nghe. Tôi tìm đến những ai nghe tôi hát, đồng cảm với tôi và cho tôi sự tồn tại. Đơn giản chỉ có thế.

Jimmii Nguyễn chỉ hát nhạc do anh sáng tác. Ảnh: P.T.

– Vài người có khả năng sáng tác thích tự thể hiện tác phẩm của mình. Còn anh?

– Tôi chỉ hát nhạc của mình viết ra, chứ không giới hạn người khác hát ca khúc của mình. Tôi thích có ai đấy hát bài hát của mình chứ. Một phần, tôi tò mò muốn nghe giọng ca của họ khác với mình như thế nào. Phần khác, tôi cũng muốn "con" của mình được mọi người biết đến và yêu thích hơn.

Thu Phương, Hồng Ngọc, Dương Triệu Vũ, Lâm Nhật Tiến… đã trình bày các ca khúc của tôi. Gần đây, tôi cũng ký giấy đồng ý cho Đàm Vĩnh Hưng hát.

– Mục đích sống của anh là gì?

– Mỗi đêm trước khi đi ngủ, tôi thường nghiệm lại những gì mình làm trong ngày. Mặc dù, tôi chưa thực hiện được hết những gì muốn làm cho bản thân, gia đình và xã hội nhưng tôi chưa lừa dối ai, chưa làm hại ai bằng hành động hoặc lời nói của mình.

Tôi hứa với lòng, ngày mai tôi cũng sẽ đạt được như ngày hôm nay. Tôi không giàu nhưng tôi có thể nhắm mắt ngủ thật ngon.

– Quan niệm của anh về hoạt động từ thiện của giới nghệ sĩ?

– Làm mà chứng minh mình có làm thì người ta bảo, làm từ thiện với mục đích lấy tên lấy tiếng. Nhưng nếu làm âm thầm không nói năng, thì khi vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, người ta lại bảo có kinh nghiệm gì mà kêu với gọi.

Cho nên theo tôi, hãy làm từ thiện đàng hoàng, rạch ròi và hãy thoải mái cho mọi người biết mình đang làm cái gì, từ thiện gì, cho ai… Vì điều này không phải để chứng minh gì cả mà chỉ để cho chính mình thấy rằng cuộc sống còn có nhiều ý nghĩa, còn có tình yêu và sự sẻ chia.

– Nếu có dịp tâm sự với các bạn trẻ, anh chia sẻ gì?

– Tôi thường chia sẻ với các bạn nhỏ tuổi hơn tôi: biển cả mênh mông thật ra không nguy hiểm vì biển luôn có hai mặt: sự bình yên và sóng gió. Cuộc đời cũng thế. Cơ hội để chết vì sóng gió ngoài biển khơi không cao nếu như người ta có sự chuẩn bị chu đáo. Nhưng người ta có thể chết ở một ao hồ nhỏ xíu, êm ả chỉ vì… không biết bơi.

Jimmii Nguyễn và người yêu, ca sĩ Ngọc Phạm. Ảnh: Lương Trần.

– Anh có dự định nào mới?

– Thời gian tới, tôi sẽ trình làng tác phẩm đầu tay ở Việt Nam, mong rằng sẽ thay đổi những gì một số fan đang suy nghĩ về phong cách âm nhạc của tôi. Nếu ai bảo rằng tôi mất cảm xúc thì họ chưa biết và hiểu gì về tôi cả. Kinh doanh cũng là hướng phát triển mới. Tôi mở công ty bán nệm cao su, bán đá quý…

Thất Sơn (Theo VNE)

Bình luận (0)