Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Johan Cruyff & nỗi đau World Cup

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng với Pele, Maradona, Johan Cruyff được thừa nhận như những ngôi sao tấn công kiệt xuất nhất thế giới bóng đá. Chỉ có điều không có được may mắn như 2 huyền thoại kể trên, World Cup lại chỉ là giấc mơ dang dở, là nỗi ám ảnh của thánh Johan…
Sẽ là quá thừa thãi nếu thêm một lần nữa tung hô tài năng của Johan Cruyff. Bởi đó là thứ đã khiến báo giới phải tốn rất nhiều giấy mực. Hãy nghe HLV huyền thoại  Rinus Michel nhận xét về cậu học trò: “Cruyff là mẫu cầu thủ toàn năng nhất. Cậu ấy có thể dẫn bóng tốc độ và lắt léo, tăng tốc đột ngột và dễ dàng vượt qua đối thủ hay sẵn sàng ghi bàn ở mọi tư thế, khoảng cách”.
Chỉ riêng chiến tích trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử lập hat-trick 3 lần giành Quả bóng vàng châu Âu (1971, 1973, 1974), điều mà cho đến giờ cũng mới chỉ có Michel Platini và Marco van Basten tái hiện được đã là thừa đủ để minh chứng cho khả năng chơi bóng siêu đẳng của Johan Cruyff.
Pele, Maradona hay Johan Cruyff giỏi hơn? Đó là một câu hỏi không thể có câu trả lời. Thế nhưng, chắc chắn có một khía cạnh mà thánh Johan ăn đứt tất cả. Đó là tố chất của một nhà chiến lược gia bẩm sinh.
Pele, Maradona xuất sắc, có thể một mình kéo cả đội bóng tiến lên phía trước. Tuy nhiên, cả 2 cầu thủ này đều xuất sắc theo thiên hướng cá nhân. Trong khi đó, Cruyff lại luôn biết cách phát huy lối chơi của cả đội. Chính ông đã góp phần cùng ông thầy Rinus Michel đưa “Total football” (bóng đá tổng lực) lên một tầm cao mới, mà một trong những đỉnh cao là World Cup 1974.
Cho đến trước trận CK gặp đội chủ nhà Đức,  Johan Cruyff cùng các đồng đội đã duy trì một phong độ khủng khiếp. Họ đã ghi tới 14 bàn và chỉ để thủng lưới 1 bàn trong 6 trận đấu ở 2 vòng bảng để thẳng tiến vào trận CK. Các ông lớn như Argentina, Bazil đều lần lượt bị bỏ lại sau lưng bằng những màn hủy diệt thuyết phục (thắng Argentina 4-0, thắng ĐKVĐ Brazil 2-0). Trong đó, ở trận gặp Argentina (Cruyff ghi hai bàn), Hà Lan gần như không cho đối thủ được cầm bóng, vì sức tấn công ồ ạt như vũ bão ngay sau tiếng còi khai cuộc.
Ở những trận đấu ấy, “thánh” Johan thường xuất phát với vai trò tiền đạo cắm.  Nhưng khi cần, ông có thể lùi xuống đá hộ công, kiến tạo cho tuyến trên hoặc dạt sang cánh làm tiền vệ bám biên, thậm chí là rút về phần sân nhà chơi tiền vệ phòng ngự.
Đấy chính là hình ảnh tiêu biểu cho cái gọi là bóng đá tổng lực. Các cầu thủ phải chơi được nhiều vị trí, di chuyển liên tục, không một cầu thủ nào cố định vai trò, bất kỳ ai cũng có thể trở thành mũi nhọn tấn công, và ai cũng phải tham gia tấn công.
Và ở trận đấu chung kết, gió vẫn xuôi chiều đối với cơn lốc màu da cam. Cruyff, giống như một thầy phù thủy trong chiếc áo số 14, đi bóng từ vòng tròn giữa sân và chỉ chịu dừng lại sau khi bị Uli Hoeness phạm lỗi trong vòng cấm địa – quả phạt đền đầu tiên trong một trận chung kết World Cup. Khi đồng hồ tính giờ mới chỉ hơn một phút, Johan Neeskens đã mở tỷ số cho Hà Lan.
Sau đó Hà Lan vẫn chiếm ưu thế hoàn toàn. Nhưng ở phút 25, Tây Đức đã bất ngờ gỡ hòa khi Paul Breitner sút thành công một quả penalty khác do Bernd Hoelzenbein bị Wim Jansen phạm lỗi trong vòng cấm. 2 phút trước khi hết hiệp, đến lượt vua dội bom Gerd Muller, ghi bàn thắng quyết định, ấn định tỉ số giúp Tây Đức trở thành đội bóng đầu tiên được ghi tên lên chiếc cúp mới của FIFA.
Giống như Hungary tròn 2 thập kỉ trước, lần này Đức lại là người bóp chết giấc mơ của một đối thủ chơi đẹp mắt, cống hiến, được yêu mến và đánh giá cao hơn họ. Nhưng kể cả điều đó cũng không ngăn cái tên Johan Cruyff và Hà Lan version 1974 mãi đi vào huyền thoại. Tại cái thời bóng đá còn mông muội ấy, thứ bóng đá nhịp nhàng, linh hoạt đến ngoạn mục của người Hà Lan thực sự đã khiến cả thế giới phải sáng mắt. Qua đó dần tạo ra một cuộc cách mạng mới về chiến thuật bóng đá (cá nhân Cruyff còn được nhận danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải).
Về sau chính với năng lực đọc trận đấu, khả năng chiến thuật tuyệt đỉnh ấy đã tiếp tục được Johan Cruyff phát tiết trên cương vị HLV. Chính ông là người đã khai sinh ra Dream-Team 1.0 trong lịch sử hào hùng của gã khổng lồ Barcelona.
Trở lại với Johan Cruyff cầu thủ. Tiếc rằng World Cup 1974 cũng lại là kì World Cup cuối cùng của thánh Johan. Ở kì World Cup 4 năm sau đó tổ chức tại Argentina, dù đang ở đỉnh cao phong độ, nhưng Cruyff lại bất ngờ rút lui khỏi thành phần ĐT Hà Lan.
Lúc ấy, người ta cho rằng, chính bất đồng với LĐBĐ nước này cũng như HLV Happel là nguyên nhân khiến số 14 huyền thoại không tham gia World Cup 1978. Song chỉ đến mãi sau này thì toàn bộ sự thật mới được phơi bày. Trong một lần trả lời phỏng vấn đài radio Catalunya, Cruyff đã tiết lộ ông và gia đình đã bị đe dọa bắt cóc chỉ vài tháng trước thềm World Cup 1978. Thậm chí, có đêm biệt thự của Cruyff tại Barcelona còn đã bị đột nhập. Điều đó là áp lực khiến Johan Cruyff không thể hoàn thành tâm nguyện đi đến tận cùng khám phá của giải bóng đá lớn nhất hành tinh.
Và đấy cũng chính là giấc mơ dang dở của cả dân tộc Hà Lan, mà theo nhận định của nhiều người là: “Nếu có Cruyff, Hà Lan đã vô địch World Cup”. Bởi ở giải đấu năm đó, bất chấp việc không có nhạc trưởng của mình, Cơn lốc màu da cam vẫn đi đến tận trận CK, rồi chỉ thêm 1 lần nữa chịu thất bại sít sao trước một đội chủ nhà khác: Argentina.
Một nốt trầm, một nỗi đau để đời trong cả sự nghiệp thăng hoa của thánh Johan. Nhưng có lẽ chính sự tiếc nuối mãi mãi ấy sẽ càng có lí do để người ta mãi phải nhắc đến ông – một ông vua không ngai.
Tuệ Minh (theo bongdaso)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)