Khát vọng Thăng Long vừa đóng máy, Johnny Trí Nguyễn lại tất tả lên đường sang Ấn Độ thực hiện một dự án khác. Gương mặt hành động của điện ảnh Việt Nam âm mưu gì ở điện ảnh nước bạn?
Johnny Trí Nguyễn và bạn diễn ăn ý Ngô Thanh Vân. Ảnh: ST. |
Anh có vẻ liều khi nhận lời làm đạo diễn hành động cho một phim nhựa lịch sử, có thời gian thực hiện gấp gáp như Khát vọng Thăng Long?
Thời gian đúng là một trong những điều đáng ngại nhất khi làm Khát vọng Thăng Long. Một phim lịch sử lớn mà thời gian chuẩn bị rất ngắn. Chúng tôi chỉ có vẻn vẹn hai tháng để chuẩn bị, tập luyện. Khó nhất là anh em diễn viên phần lớn chưa từng tập võ. Phim lại đòi hỏi họ phải nhuần nhuyễn rất nhiều kỹ năng đánh võ, sử dụng vũ khí, cưỡi ngựa, bắn tên… Rất nhiều việc phải làm trong một thời gian ngắn.
Gấp vậy nhưng tôi vẫn nhận lời vì thực sự rất thích làm phim lịch sử, với đề nghị phải được làm cùng ê kip quen thuộc của mình. Không phải là mình chảnh hay kén cộng sự đâu. Phim hành động rất khác với phim hài, phim tình cảm. Khâu tổ chức khó khăn lắm, phải thật chặt chẽ, thật ăn ý.
Vậy ra các pha hành động lại là món chính của Khát vọng Thăng Long?
Nói vậy cũng không phải. Chỉ là có nhiều pha hành động thôi. Lúc đầu làm phim, tôi nghĩ đây là phim lịch sử, hành động, võ thuật chỉ là phụ, là gia vị cho phim thêm hấp dẫn. Nhưng càng ngày mọi người lại càng muốn có thêm nhiều cảnh hành động, nhiều như là phim Dòng máu anh hùng và Bẫy rồng vậy.
Có vẻ như nguồn cung quá tốt đã làm phát sinh nhu cầu?
Cũng không biết. Tôi chỉ được mời làm đạo diễn hành động, không biết có phải vì có mình mà kịch bản được viết thêm nhiều pha hành động hay không. Thậm chí mọi người còn muốn đưa hành động vào nhiều hơn nữa nhưng tôi phải từ chối, sợ diễn viên quá tải.
Trong buổi ra mắt đoàn phim tại Hà Nội, đạo diễn Lưu Trọng Ninh ví làm phim lịch sử giống như đi giữa những làn đạn. Anh có chịu chung áp lực này?
Áp lực thì có nhiều, phim lịch sử mà, người ta luôn đòi hỏi phải đạt đến độ chân xác. Tôi đã cố gắng giữ cho những pha hành động trong phim được chân thật nhất, không chế thêm vào. Chủ yếu là khai thác võ cổ truyền, vật dân tộc. Các pha hành động đều khá cổ điển. Tôi chỉ tiếc thời gian chuẩn bị cho phim gấp quá. Nhưng với khoảng thời gian cho phép đó, những gì làm được thì tôi khá hài lòng.
Được biết, anh đang ấp ủ một dự án phim của riêng mình, là phim hành động hay món mới?
Làm diễn viên thì tôi muốn đóng đủ vai, không hành động càng tốt nữa kia. Nhưng khi tham gia sản xuất thì muốn làm phim hành động. Vì mình có thể tự tin. Mình hiểu rõ được cách làm và làm có hiệu quả. Tôi thấy phim hành động là một trong những thể loại phim khó làm nhất.
Hiện tôi đang viết kịch bản, chưa muốn tiết lộ nhiều. Chắc phải sang năm. Vài ngày nữa tôi sẽ sang Ấn Độ tham gia một phim. Nó sẽ kéo dài tới tháng Giêng. Mình sẽ vừa đóng phim của họ vừa hoàn thành kịch bản của mình. Hơn nữa, tôi cũng muốn chờ một loại máy quay mới sắp được Hollywood cho ra mắt thì mới bấm máy phim tới của mình. Kịch bản phim cần cách quay khó hơn, kỹ thuật quay mới hơn thì mới đạt được hiệu quả mình mong muốn. Máy đó khá đắt nên mình chỉ thuê thôi.
Gần đây, một số nghệ sĩ VN thường phát ngôn rất hoành tráng về những vai diễn chạy qua màn ảnh trong các dự án phim quốc tế!
(Cười) Vai diễn của mình ở Ấn Độ. Đó là một điệp viên – sát thủ người Trung Quốc được cử qua Ấn Độ làm nhiệm vụ bí mật. Đó là một vai chính phản diện trong phim. Với tôi thì đi Ấn Độ hay Thái Lan trước đây đều là để học hỏi cách làm phim, chứ không nghĩ nhiều đến tên tuổi. Càng tham gia làm phim ở nhiều nước thì càng tốt hơn. Nhiều khi quay ở những nước ít điều kiện thì lại có những cái hay của việc ít điều kiện, nó khiến mình phải sáng tạo hơn. Rất thú vị!
Hiện nay, anh gần như là gương mặt duy nhất của điện ảnh VN gắn liền với dòng phim hành động. Cảm giác của người đi một mình trên một con đường nó thế nào?
Cũng cô đơn lắm. Tôi muốn trong nước ít nhất phải có 4-5 nhóm làm phim hành động. Phải có môi trường, có cạnh tranh thì mới tốt hơn được. Mình không thể tạo ra môi trường điện ảnh nếu chỉ có một mình mình làm. Làm gì cũng nên có sự cạnh tranh mới thú vị. Vì đôi khi, đối thủ cạnh tranh cũng chính là bạn đồng hành.
Khi làm phim hành động, tôi không chỉ nhắm tới thị trường trong nước mà muốn đi xa hơn, cạnh tranh với các nước bạn. Tất nhiên, với điều kiện kinh tế của mình thì mình không chọn cách cạnh tranh về quy mô mà chọn cách khác, có dấu ấn riêng. Phim mình có thể không quá đắt tiền nhưng phải có gì đặc biệt. Đó là một thử thách rất lớn.
Tùng Dương (Theo TPO)
Bình luận (0)