Bác sĩ đang khám bệnh cho bé. Ảnh: I.T |
Mỗi ngày Bệnh viện (BV) Nhi đồng I, Nhi đồng II tiếp nhận trên dưới 10 ngàn bệnh nhi đến khám và chữa bệnh. Tuy nhiên, với bệnh Kawasaki, theo bác sĩ Vũ Minh Phúc – Trưởng khoa Tim mạch, BV Nhi đồng I thì mỗi năm BV chỉ tiếp nhận khoảng vài chục trường hợp. Tuy số trẻ mắc bệnh này khá ít nhưng rất nguy hiểm.
Bệnh dễ gây tử vong
Sở dĩ bệnh có tên là Kawasaki vì bệnh này do một bác sĩ người Nhật tên Tomisaku Kawasaki tìm ra.
Bệnh Kawasaki thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi, tuy nhiên vẫn có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh có những biểu hiện như sốt cao, nổi mẩn đỏ ở da, sưng hạch cổ, mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi đỏ rực như trái dâu tây, viêm loét họng, sưng bàn tay, bàn chân, bong da đầu ngón tay, ngón chân. Ngoài ra còn có những biểu hiện như sưng đau khớp, tiêu chảy, ói mửa, đau bụng, sưng túi mật, tắc ruột, vàng da, suy thận, viêm màng não hay viêm phổi, viêm ruột. Xét nghiệm cho thấy bạch cầu trong máu tăng cao, siêu âm tim thấy mạch vành bị giãn ra. Đặc biệt, bệnh còn ảnh hưởng đến hệ tim mạch gây viêm cơ tim, suy tim, viêm tắc và giãn mạch máu chính nuôi tim (mạch vành) dẫn tới nhồi máu cơ tim, có thể gây tử vong…
Bác sĩ Minh Phúc cho biết, đến nay thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh Kawasaki ở trẻ em. Tuy nhiên, một số giả thuyết cho rằng bệnh Kawasaki có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng, nhiễm siêu vi ở những trẻ có cơ thể đặc biệt.
Những hiểu biết hiện nay trên thế giới cho thấy bệnh này không lây nhiễm và không phải bệnh di truyền.
Bệnh có thể tái phát nhưng tỉ lệ này thấp. Bệnh thường xảy ra nhiều ở trẻ em các nước châu Á.
Điều trị bệnh Kawasaki như thế nào?
Bệnh chỉ có thể được chẩn đoán chắc chắn sau khi mắc bệnh 5 ngày. Trong giai đoạn cấp tính bệnh nhi phải nằm bệnh viện và điều trị thuốc gamma globulin để phòng ngừa biến chứng tim mạch. Thuốc này sẽ có hiệu quả tốt nhất khi dùng trước ngày bệnh thứ 10. Sau khi dùng thuốc gamma globulin, trẻ không được chủng ngừa trong thời gian từ 3 – 6 tháng, đặc biệt là những văcxin sống như: sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, vì gamma globulin đã làm giảm tác dụng của văcxin. Sau thời gian này có thể chủng ngừa bình thường.
Ngoài ra, trẻ còn phải dùng thêm thuốc aspirin để phòng ngừa tắc mạch trong một thời gian tối thiểu là 6 tuần. Trừ khi được bác sĩ yêu cầu, bệnh nhân Kawasaki không cần chế độ ăn đặc biệt. Khi bệnh chưa ảnh hưởng đến tim, bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường. Nếu bệnh nhân có vấn đề tim mạch, các bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ hoạt động thể lực sao cho phù hợp với từng bệnh nhân.
“Vì không biết nguyên nhân gây ra bệnh Kawasaki nên không thể phòng ngừa được. Nếu trẻ sốt kèm theo phát ban nổi mẩn đỏ ở da, gia đình nên đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời”, bác sĩ Minh Phúc khuyến cáo.
Bệnh nhân Kawasaki cần được theo dõi suốt đời. Theo bác sĩ Minh Phúc, quan trọng là phát hiện bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện sớm, vì nếu được điều trị trong vòng 10 ngày kể từ khi trẻ mắc bệnh thì mới có thể ngừa được các biến chứng ở tim. Sau 10 ngày thì hiệu quả ngăn ngừa biến chứng sẽ giảm xuống. Nếu bệnh tiến triển tốt, thì khoảng 48 giờ sau điều trị, bệnh sẽ lui dần, trẻ hết sốt và có thể về nhà.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng – Giám đốc BV Nhi đồng I, cho biết: “Việc sử dụng thuốc gamma globulin cho trẻ mắc bệnh Kawasaki được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Thường phải thông qua Hội đồng Thuốc và điều trị của BV, sau khi có chẩn đoán bệnh chính xác. Đây là một loại bệnh hiếm, khó chẩn đoán, đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm”. |
Minh Thùy
Bình luận (0)