Ảnh tính minh họa. Ảnh: I.T |
Kazactan trước kia là một nước Cộng hòa trong Liên bang Xô viết, có diện tích rộng lớn và giàu về dầu, kim loại. Thoát ra từ nền kinh tế kế hoạch, Kazactan phải bắt đầu xây dựng nền kinh tế thị trường từ trong bối cảnh sụp đổ của Liên bang Xô viết. Ngân quỹ rỗng không, sản xuất đình đốn, hoàn toàn không có một sự viện trợ nào nữa giữa thời buổi “lụt lút cả làng”. Riêng về giáo dục, có thể nói là mất phương hướng: học theo chương trình nào, ngân quỹ giáo dục lấy từ đâu trong hoàn cảnh “thầy đói, trò rách”?
Những người lãnh đạo của nhà nước mới- nước Cộng hòa Kazactan- đứng đầu là Tổng thống Noursoultan Nazarbaev nhận định: vấn đề số một là vấn đề cán bộ. Chìa khóa của tương lai nằm trong vấn đề giáo dục, đào tạo chuyên viên hành chính, khoa học, kỹ thuật … Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn về kinh tế Tổng thống kiên quyết trích từ ngân quỹ eo hẹp một số tiền để “đầu tư cấp tốc cho tương lai gần”. Trong bối cảnh đó học bổng “Tương lai” (Bolashak) ra đời vì “đồng tiền eo hẹp” nên lúc đầu chỉ có một số rất ít SV có khả năng được cấp 100% học bổng để đi học nước ngoài, với điều kiện khi trở về phải phục vụ nhà nước ít nhất 5 năm. Aryn Orsariev sau nhiều năm học Khoa học Chính trị ở Đại học Sorbonne Pháp, bây giờ là chuyên viên Tổ chức Hành chính nói: Tôi là người đầu tiên được hưởng học bổng “Tương lai”. Đó là một dịp đặc biệt để có thể đi học nước ngoài vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới.
14 năm sau khi thành lập học bổng “Tương lai”, từ năm 2000 Kazactan đã có sự phát triển gần 10% mỗi năm, và đang trở thành một trong 10 nước sản xuất dầu hỏa nhiều nhất thế giới. Hiện có 3.000 người được cấp học bổng này. Quỹ học bổng “Tương lai” hàng năm lên đến 85 triệu Euro. Giám đốc Quỹ, ông Kadisha Dairova nói: Không cần phải gửi SV đi học nước ngoài từ đầu, mà chỉ cần gửi họ đi làm master (tương đương thạc sĩ) hoặc tiến sĩ. Kazactan có thể tự túc phần giáo dục cơ bản trong nước. Vấn đề là chất lượng của các bằng master và Tiến sĩ đem về. Muốn vậy phải cung cấp điều kiện tốt cho SV khi học ở nước ngoài (sinh viên học ở Paris đề nghị 1.200 Euro/ tháng, trong khi học bổng cấp 750 Euro/tháng).
Lĩnh vực ưu tiên được cấp học bổng là Khoa học áp dụng, Quản lý Hành chính và Dịch vụ. Để cho học bổng hấp dẫn hơn mà vẫn phục vụ tốt quốc gia, SV được cấp học bổng khi trở về có thể làm việc ở cơ sở tư nhân tại Kazactan trong 5 năm..
Dù như vậy vẫn khó tìm được SV đủ tiêu chuẩn đi học nước ngoài, vì trình độ chuyên môn còn quá yếu, nhất là trong những năm 90. Nhà nước đã bỏ ra 1,84 tỷ Euro cho nền giáo dục quốc gia từ 2005 đến 2010, nhằm nâng cấp nền giáo dục cho tương xứng với trình độ chung của thế giới. Hiện nay, theo sự phân tích của Giáo sư Gérard Michot ở Trường Đại học Mỏ Nancy, được ủy nhiệm làm điều phối viên quốc tế của 75 trường đào tạo kỹ sư ở Pháp “trình độ SV Kazactan vào loại trung bình, vì vậy cần có một năm dự bị bồi dưỡng về Toán cao cấp, trước khi học tiếp 2 năm chương trình kỹ sư và sau đó là master”. Tất cả các trường tiếp nhận SV Kazactan cũng thống nhất khi được hỏi SV nước này như vậy. Một vấn đề khó khăn nữa là trình độ ngoại ngữ của SV Kazactan còn quá kém. Nhiều trường đại học ở nước ngoài đành lắc đầu không thể chấp nhận cho SV Kazactan vào học, vì ngoại ngữ của họ không đủ tiếp thu kiến thức.
Trước kia học bổng “Tương lai” chủ yếu chỉ dành cho con em các vùng phát triển, từ năm 2005 Tổng thống yêu cầu “các vùng nông thôn, các địa phương xa trung tâm phải được ưu tiên hưởng học bổng “Tương lai”. Hồi đầu, chính quyền yêu cầu gia đình SV được hưởng học bổng phải thế chấp tài sản, nhà cửa, bất động sản, tùy theo mức học bổng, có thể lên đến 40.000 Euro hoặc cao hơn nữa (sau khi SV hoàn thành đầy đủ hợp đồng về học bổng, số tiền này sẽ được hoàn lại). Theo Xenia, người Kazactan, học tiếng Pháp ở Karaganda, nói chung người Kazactan làm gì có số tiền lớn như vậy, họ chỉ có khoảng 1.500 Euro vào năm 2005. Rốt cuộc Bộ Giáo dục phải chấp nhận số tiền 1.500 Euro cho một số gia đình khó khăn, trong khi một số gia đình khác phải thế chấp 100.000 Euro.
Sau này, vấn đề mà giáo dục Kazactan gặp khó khăn là mặt bằng giáo dục ở khởi điểm quá thấp, làm sao tới 2008 phải đuổi kịp “mức độ chung của Cộng đồng Châu Âu” ở giáo dục bậc cao. Kazactan phải chuyển bậc học phổ thông từ 11 năm lên 12 năm. Đó là cả một cuộc cách mạng về giáo dục. Tổng thống Nazarbaev quyết biến Kazactan thành một trong 50 nước phát triển nhất thế giới từ nay đến 2012. Muốn vậy toàn bộ nền giáo dục phải đổi mới từ chương trình, sách giáo khoa, đến phương pháp dạy, trang thiết bị…
Quan đểm nhất quán của Tổng thống Nazarbaev là: Giáo dục là chìa khóa của tương lai, đất nước phải đi lên từ giáo dục.
Phan Thanh Quang (Theo Thế giới Giáo dục 2-2008)
Bình luận (0)