Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

KCN không chỉ “lấp đầy”…

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thay vì tiêu chí “lấp đầy”, sắp tới, quy hoạch KCX-KCN phải gắn liền quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, TPHCM có tổng cộng 22 KCX-KCN làm nền tảng cho sự phát triển công nghiệp của TP. Tuy nhiên, khi quy hoạch đô thị, TPHCM chưa hoạch định một cách đầy đủ hạ tầng xã hội để đáp ứng cho số lao động tập trung tại các KCX-KCN.
Chuyển dịch tích cực
Tính đến hết quý I/2011, tổng vốn đầu tư tại các KCX-KCN đạt 7,7 tỉ USD, trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm đến trên 6,67 tỉ USD. Đáng mừng là các dự án công nghệ cao, sản xuất sản phẩm có độ chính xác như trong các lĩnh vực tự động hóa, điện tử, cáp quang, vi mạch, bán dẫn… tại TPHCM ngày càng nhiều.

KCN Tây Bắc Củ Chi – TPHCM
Nếu như năm 2006, dệt may chiếm tỉ trọng cao nhất trong các dự án đầu tư vào các KCX-KCN thì hiện sự chuyển dịch đầu tư đang hướng mạnh vào các ngành công nghiệp cơ khí, điện – điện tử, hóa nhựa và chế biến tinh lương thực – thực phẩm. Từ đó, kéo theo sự chuyển dịch lao động trong ngành cơ khí tăng 15,6%, điện – điện tử tăng 8,9%, hóa nhựa tăng 14,6%, chế biến tinh lương thực – thực phẩm tăng 21,6%.
Một số nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu đi vào các dự án nghiên cứu thiết kế con chip, phần mềm điện toán. Sáu tháng đầu năm 2011, kinh tế Việt Nam khó khăn nhưng TPHCM đã thu hút được dự án  sản xuất pin năng lượng mặt trời với vốn đầu tư trên 1 tỉ USD tại KCN Đông Nam do Công ty First Solar Việt Nam thuộc Tập đoàn First Solar Hoa Kỳ đầu tư, tác động tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài đang thăm dò vào TPHCM.
Điều đáng mừng nữa là đã có hơn 7.000 lượt công nhân được doanh nghiệp đưa sang các nước có trình độ công nghiệp phát triển để đào tạo chuyên sâu, trong đó Nhật Bản chiếm gần 80%.
Gắn quy hoạch KCN với phát triển đô thị, dịch vụ
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các KCX-KCN ở TPHCM cũng lộ diện những điểm yếu kém. Quy mô vốn đầu tư còn nhỏ, có đến 73% dự án có vốn đầu tư nước ngoài dưới 5 triệu USD. Lao động ở các KCX-KCN hầu hết từ các tỉnh nhưng nhà lưu trú, trạm y tế, nhà trẻ, siêu thị… phục vụ công nhân vẫn quá thiếu. Tính đến nay, mới có 7 dự án khu lưu trú công nhân hoàn thành, đáp ứng hơn 6.000 chỗ ở. Đời sống của công nhân thiếu thốn cả về vật chất lẫn những khu giải trí phù hợp khả năng thu nhập.
Theo Ban Quản lý các KCX – KCN TPHCM (HEPZA), nguyên nhân của tình trạng này là do trong Nghị định 36/CP của Chính phủ từ năm 1997 quy định không có dân cư sinh sống trong KCX-KCN. Khi lập quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư hạ tầng cũng không bị bắt buộc phải đầu tư đồng thời khu nhà ở và công trình công cộng phục vụ công nhân. Việc xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội cho KCX-KCN hiện nay chưa phân công rõ ràng trách nhiệm cho cơ quan nào quản lý. Trong giai đoạn đầu, với tiêu chí “lấp đầy” được đặt lên hàng đầu nên quản lý môi trường, xử lý chất thải, nước thải thiếu chặt chẽ…
Ông Yoshitaka Murakami, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Nissei Việt Nam, cho rằng  trong thời gian tới, TPHCM cần quan tâm đến 3 vấn đề: Chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng trước khi kêu gọi đầu tư; tiếp tục hoàn thiện luật pháp và quy định về lương tối thiểu; cung cấp điện đầy đủ vì thiếu điện sẽ ảnh hưởng sản xuất và đời sống công nhân.
Theo HEPZA, sắp tới, khi xây dựng KCX-KCN phải dành đủ đất cho các khu thương mại, dịch vụ, giao trách nhiệm cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng rõ ràng. Bởi có gắn với nâng cao nhu cầu dân sinh, giữ gìn môi trường thì phát triển KCX-KCN mới bền vững.
Bài và ảnh: Nguyễn Vân / NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)