Nhiều ý kiến cho rằng điều 33 của Quy chế tuyển sinh vô hình trung đã trở thành “phao” giúp các trường tự hạ điểm sàn và không hiệu quả trong đào tạo
Ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng điều 33 của Quy chế tuyển sinh là kẽ hở bởi các trường dựa vào tiêu chí “đào tạo nhân lực cho địa phương” để xin Bộ GD-ĐT cho phép nới điểm sàn, trong khi trường địa phương nào mà chẳng đào tạo nhân lực cho địa phương?
Ông Xê nhấn mạnh rằng kẽ hở này giúp các trường hạ điểm sàn nhưng không mang lại hiệu quả trong đào tạo, bởi quy chế này chỉ hạ điểm sàn cho những thí sinh có điểm thi thấp hơn điểm sàn (thuộc các khu vực được ưu tiên), còn những thí sinh ở khu vực 3 – những thí sinh có điều kiện học tập tốt hơn, điểm thi cũng cao hơn thì lại không được áp dụng. Như vậy, vô hình trung quy chế này giúp cho thí sinh dở có được cơ hội vào ĐH.
Ông Nguyễn Văn Thư, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, cho rằng tinh thần của điều 33 Quy chế tuyển sinh là chỉ áp dụng cho các thí sinh vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, do quy định không chặt chẽ nên các trường áp dụng đại trà và nới rộng các khu vực ưu tiên (trừ thí sinh thuộc khu vực 3). Vì thế, quy chế này tạo ra sự thiệt thòi đối với thí sinh không được hưởng quy chế vì trong thi cử, hơn nhau 0,5 điểm là thí sinh phải phấn đấu rất khó khăn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cũng cho rằng điểm đầu vào của thí sinh có sự chênh lệch là không công bằng. Tuy nhiên, do các trường địa phương, các trường dân lập không tuyển sinh được nên mới phải trông chờ vào quy chế này. Ông Xê nhìn nhận nguyên nhân các trường phải xin quy chế 33 là do bộ không chịu hạ điểm sàn, trong lúc mặt bằng điểm thi thấp nên các trường phải sử dụng đến cách này như là cứu cánh để tuyển đủ chỉ tiêu.
Ông Xê cho rằng với mức chênh lệch đầu vào như vậy, học sinh giỏi và học sinh dở sẽ học chung một lớp, làm cho chất lượng lớp học không đồng đều thì rất khó cho việc đào tạo. Những thí sinh được hưởng ưu tiên nếu vào học những ngành kỹ thuật, công nghệ thì khó lòng theo kịp, cuối cùng cũng phải bị loại ra, càng gây thiệt thòi cho thí sinh. 5-7 điểm mà vào được ĐH, CĐ thì quả thật đáng lo cho chất lượng đào tạo.
Theo ông Thư, để tránh việc không tuyển sinh được, các trường phải tự nâng cao chất lượng và cạnh tranh lành mạnh để thu hút thí sinh. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần xem lại việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho những trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu, tránh tình trạng các trường phải “than, xin, cho, nới…”.
Nhiều chuyên gia đào tạo cho rằng Bộ GD-ĐT cần sớm bỏ quy chế này và nên đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo từ bậc phổ thông đối với các trường địa phương, vùng sâu, vùng xa thay vì cho phép các trường hạ điểm sàn.
|
Theo Thùy Vinh
(nld)
Bình luận (0)