Hội nhậpThế giới 24h

Kế hoạch “đại tái thiết” của Thổ Nhĩ Kỳ

Tạp Chí Giáo Dục

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra cam kết tham vọng về việc tái xây dựng sau thảm họa động đất nhưng còn nhiều ý kiến cảnh báo về rủi ro của sự vội vã.

AP dẫn thông báo của nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có hơn 173.000 tòa nhà, với khoảng 534.000 căn hộ, đã đổ sập hoặc thiệt hại nghiêm trọng. Hơn 335.000 căn lều được dựng tạm tại vùng động đất trong khi những ngôi nhà bằng container cũng được bố trí tại 130 địa điểm. Gần 530.000 người phải sơ tán khỏi vùng thảm họa và số người ở trong các cơ sở tạm trú là hơn 1,9 triệu người.

Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) ước tính cần xây 500.000 căn nhà mới và tổ chức này đã kêu gọi 113,5 triệu USD từ quỹ của LHQ để dọn dẹp những đống đổ nát sau động đất. UNDP ước tính thảm họa đã tạo ra khoảng 116 – 210 triệu tấn xà bần, lớn hơn rất nhiều so với 13 triệu tấn sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 1999.

Hiện trường như ngày tận thế

Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới của LHQ David Beasley ngày 25.2 đến thăm vùng thảm họa tại TP.Antakya, tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) và miêu tả cảnh tượng như "ngày tận thế", theo Reuters. "Cả khu phố bị san phẳng, nhà cửa bị phá hủy, trường học, cửa hàng đóng cửa, sự sống bị phá nát. Quy mô tàn phá ở đây thật sự không thể hiểu được", ông Beasley nói. Về tình hình Syria, ông Beasley mô tả giống như "thảm họa chồng chất" do nước này chìm trong nội chiến 12 năm qua.

Trong chuyến thị sát vùng thảm họa tại Kahramanmaras ngày 8.2, Tổng thống Erdogan thông báo kế hoạch tái xây dựng nhà ở tại các tỉnh bị ảnh hưởng trong vòng 1 năm. Kế hoạch trước mắt của chính phủ là xây dựng 200.000 căn hộ và 70.000 căn nhà với kinh phí ít nhất 15 tỉ USD. Bloomberg Economics ước tính chi tiêu công liên quan động đất có thể chiếm 5,5% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 24.2, Thổ Nhĩ Kỳ công bố sắc lệnh của tổng thống trong đó gồm các quy định mới về việc tái xây dựng. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có thể xây nhà ở, nơi làm việc và có thể trao từ thiện cho Bộ Đô thị hóa. Những bất động sản này sẽ được bộ trao lại cho những người có nhu cầu. Đất khô cằn và không dùng để trồng rừng có thể được sử dụng để xây dựng và thủ tục về thông báo xây dựng và phản đối sẽ được bỏ qua trong quá trình lên kế hoạch và phân lô.

Các khu tái định cư tạm thời hoặc lâu dài sẽ được Bộ Đô thị hóa xác định tùy theo khoảng cách với đường đứt gãy động đất, điều kiện thực địa. Phế liệu từ việc phá dỡ các tòa nhà sập có thể được tái chế để đầu tư vào hạ tầng, trong khi việc phá dỡ phải tuân thủ quy định về môi trường.

Ưu tiên an toàn hay tốc độ ?

3 tuần sau động đất, vẫn còn những trường hợp chưa có chỗ trú dù nhà chức trách cho biết đã cung cấp lều cho nhiều người mất nhà cửa, theo Reuters.

Mặc dù nhu cầu nhà ở đang là ưu tiên vào thời điểm này nhưng giới chuyên gia cảnh báo chính quyền nên đặt an toàn lên trước tốc độ. Kế hoạch xây nhà vội vàng có nguy cơ khiến Thổ Nhĩ Kỳ chuốc thêm thảm họa nếu không quy hoạch đô thị và cân nhắc các yếu tố an toàn, môi trường.

Theo Reuters, ngành xây dựng đã bùng nổ trong thời gian ông Erdogan làm thủ tướng rồi tổng thống 20 năm qua và chính quyền đã thu được 38 tỉ USD tiền thuế liên quan động đất trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, sau trận động đất ngày 6.2, ông Erdogan hứng chịu làn sóng chỉ trích do các tòa nhà đổ sập quá nhiều. Mặc dù chính quyền thông báo đã bắt giữ hàng chục chủ thầu và điều tra hơn 600 người nhưng điều đó cũng chỉ là biện pháp tình huống, không thể che lấp những lỗ hổng trong quy định xây dựng và phát triển đô thị.

"Không chỉ cần thay thế các tòa nhà bị phá hủy mà còn phải tái quy hoạch các thành phố dựa trên dữ liệu khoa học và rút bài học từ sai lầm trong quá khứ. Ưu tiên là kế hoạch mới, không phải tòa nhà mới", ông Esin Koymen, cựu lãnh đạo Phòng Kiến trúc Istanbul, nêu ý kiến.

Theo Vi Trân/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)