Sau khi tốt nghiệp, du học sinh có thể trở về Nga hoặc chọn ở lại nếu đủ chi phí thanh toán “nợ” cho Chính phủ
|
Trong khoảng ba năm, từ 2012 đến 2015, Chính phủ Nga sẽ thực hiện kế hoạch tài trợ cho gần 10.000 sinh viên du học tại các trường ĐH hàng đầu trên khắp các châu lục. Kế hoạch này được gọi là “Giáo dục toàn cầu cho Nga”.
Ông Dmitry Medvedev, Tổng thống Nga, cho biết: “Sẽ có hàng ngàn nhà khoa học trẻ, kỹ sư và công chức của Nga nhận được tấm bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại các trường ĐH hàng đầu trên thế giới chỉ trong thập kỷ tới. Sau đó, hy vọng rằng, việc học tập ở nước ngoài cho phép họ giữ được một vị trí chủ chốt trong kinh doanh, làm việc cho Chính phủ hay các lĩnh vực khác như khoa học, giáo dục…”.
Theo kế hoạch này, khoảng 2.000 sinh viên Nga sẽ ghi danh vào các trường ĐH nước ngoài vào năm 2012, sau đó tăng đến 10.000 vào năm 2015. Chính phủ dự kiến năm đầu tiên thực hiện kế hoạch, mức đầu tư khoảng 60 triệu USD. Bộ Giáo dục ước tính, mỗi cá nhân trong một năm du học tại nước ngoài, để có được tấm bằng tiến sĩ sẽ phải tiêu tốn khoảng 120.000 USD, bằng MBA chừng 80.000 USD và trở thành cử nhân tốn khoảng 15.000 đến 20.000 USD; thêm 40.000 USD/người cho chi phí sinh hoạt. Ngược lại, theo các điều khoản của kế hoạch tài trợ, 10.000 sinh viên này sẽ phải quay trở lại Nga sau khi hoàn thành nghiên cứu của mình. Nếu chọn làm việc trong khu vực công thì ít nhất ba năm, còn làm việc cho khu vực tư hay muốn kinh doanh riêng sẽ phải thanh toán lại cho Chính phủ 50% chi phí. Bộ Giáo dục cũng hy vọng đa phần các sinh viên sẽ chọn lựa Hoa Kỳ để học tập. Tuy nhiên, nếu không muốn, họ có thể đi đến các trường ĐH tại bất cứ nơi đâu trên thế giới. Đồng thời, Nga cũng lên kế hoạch chuẩn bị một danh sách các nhà sử dụng lao động – những người quan tâm và có nhu cầu tuyển dụng số du học sinh sau khi tốt nghiệp trở về Nga. “Họ sẽ đảm bảo cung cấp các công việc hấp dẫn và trả lương cao cho các học viên này” – ông Sergei Fursenko, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nga cho biết. Cũng theo kế hoạch, trong năm đầu, sinh viên có thể tự chọn các khóa học mà mình mong muốn. Còn những năm tiếp theo, Chính phủ sẽ giới thiệu hoặc định hướng ngành học, dựa theo nhu cầu nhân lực của đất nước nhằm lấp đầy khoảng thiếu hụt, chẳng hạn như kỹ sư, luật sư và nhà kinh tế.
Hầu hết các chuyên gia đánh giá cao sáng kiến của Tổng thống Medvedev và tin rằng, nó mang lại lợi ích không chỉ cho Nhà nước mà còn cho các sinh viên. Điều này quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước. Trong trường hợp các sinh viên sau khi kết thúc khóa nghiên cứu từ chối quay trở lại Nga sẽ phải có nghĩa vụ thanh toán tiền phạt, theo quy định nghiêm ngặt của Bộ Giáo dục, dựa theo một hợp đồng ràng buộc pháp lý được ký kết, quy định cụ thể ngày họ sẽ phải trở lại Nga sau khi tốt nghiệp.
Dù vậy, cũng có không ít các chuyên gia giáo dục không mấy tin rằng các sinh viên sau đó có thể quay về nhà. Ông Sergei Komkov, Chủ tịch tổ chức All-Russian Education Foundation, cho biết hầu hết các sinh viên do Nhà nước tài trợ gần như sẽ cố gắng để ở lại nước ngoài, họ bị cám dỗ bởi cơ hội việc làm với mức lương rất cao tại Mỹ hay các quốc gia châu Âu so với tại Nga.
Tuy nhiên, đó không phải là điều lo ngại, bởi nếu họ không trở lại Nga làm việc thì nước Nga cũng sẽ được hưởng lợi trong một thời gian dài. Ngay khi không trở lại, họ vẫn có thể giúp tăng GDP cho đất nước thông qua gửi tiền cho thân nhân. Thậm chí rất nhiều người trong số họ, dự kiến – dù phải mất một thời gian rất dài – hẳn sẽ quay về quê hương thành lập các công ty riêng. Nhưng vấn đề trên hết của Chính phủ trong kế hoạch này vẫn là muốn cung cấp cho họ – những người có tiềm năng phát triển năng lực nhưng bị hạn chế bởi chi phí giáo dục cao – một cơ hội học tập và họ có quyền quyết định tương lai của mình.
(Theo the universityworldnews)
Ngân Du
Bình luận (0)