Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Kế hoạch hè “hoành tráng”, thực hiện ngán!

Tạp Chí Giáo Dục

Không tập hợp được HS, thiếu kỹ năng và nhân sự tổ chức, không có kinh phí… là những nguyên nhân khiến hoạt động hè trở nên nhàm chán.
Từ ngày 1-6, học sinh (HS) sẽ bắt đầu nghỉ hè. Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đã lên một kế hoạch hè “hoành tráng” với nhiều hoạt động như tổ chức sân chơi, bồi dưỡng HS yếu, đi thực tế, tình nguyện…
Nghèo nàn, “khoán” cho phường
Tuy nhiên, cô Phạm Thị Vượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Gò Vấp), cho biết phần lớn HS phải sinh hoạt hè ở địa phương, chủ yếu vui chơi, ôn tập. Riêng ở trường, đầu tháng 7 có tổ chức dạy hè kèm thêm một số lớp năng khiếu như vẽ, văn nghệ, thể dục… cho các em đăng ký. “Trường không tổ chức các hoạt động vui chơi vì nhân sự là đoàn viên ít, không ai đứng ra tổ chức. Kinh phí tổ chức hè cho HS chỉ cấp cho đoàn, đội ở địa phương, trường muốn tổ chức phải xin đóng góp từ phụ huynh nhưng rất khó. Vì thế, cả dịp hè trường chỉ dám tổ chức đi thực tế cho HS một lần, còn lại các em tự sinh hoạt” – cô Vượng cho biết.
Cô Đỗ Ngọc Thu Trang, Tổng phụ trách Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (quận Bình Thạnh), cho biết hiện trường chưa có kế hoạch hè cho HS. Tuy nhiên, hằng năm hoạt động hè đều do phường tổ chức, trường chỉ phối hợp bằng cách cho mượn địa điểm tổ chức và đoàn viên để hỗ trợ. “Việc tập hợp HS để sinh hoạt là rất khó vì địa bàn dân cư rộng nên phải giao cho phường làm. HS ít nên mọi hoạt động chỉ tổ chức vào ngày cuối tuần hoặc buổi tối, còn ngày thường HS đi học bên ngoài, vào trường cũng chỉ đọc sách, ôn bài theo nhóm…” – cô Trang nói.

HS Trường THPT Hùng Vương tham gia chiến dịch Hoa phượng đỏ năm 2011. Ảnh: KHẮC HUY
Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 12 cũng cho biết trường đã phát phiếu đăng ký sinh hoạt hè cho HS để biết số lượng. Sau đó, trường kết hợp cùng ban chỉ đạo của phường tổ chức các hoạt động hè cho các em. “Thời gian nghỉ hè dài, hoạt động hè theo kế hoạch rất nhiều nhưng nhân sự chuyên trách không có. Cả mùa hè cũng chỉ tổ chức được một, hai dịp đi tham quan ở nhà truyền thống hoặc thăm mẹ Việt Nam anh hùng. Những hoạt động của đoàn phường cũng ít, chủ yếu dọn vệ sinh, quyên góp giúp người nghèo… nên hiệu quả chưa cao. Thậm chí, ban tổ chức phải chuẩn bị quà tặng, bốc thăm trúng thưởng để “dụ” HS tham gia” – giáo viên này nói.
Kế hoạch trên giấy?
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV của Sở GD&ĐT TP.HCM, phân tích trong kế hoạch của Sở có rất nhiều hoạt động tổ chức cho thanh thiếu niên tham gia vào dịp hè nhưng đó chỉ là định hướng để các trường phối hợp với địa phương tổ chức cho các em. Năm nay, Sở yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch hè rõ ràng tùy theo điều kiện từng trường để thực hiện cho phù hợp. Trong tháng 7, Sở sẽ tiến hành kiểm tra công tác này tại các đơn vị để nắm tình hình cụ thể.
Ông Huy cũng thừa nhận: “Sở đề ra rất nhiều hoạt động hè nhưng để tổ chức được như mong muốn là rất khó vì phụ thuộc nhiều yếu tố như nhân sự, phân bổ địa bàn dân cư, nhu cầu của phụ huynh… Chỉ những trường có điều kiện mới tổ chức được. Năm nay, Sở cũng chỉ dám mong các trường thực hiện được 50% hoạt động đề ra, còn lại chỉ khuyến khích chứ không thể bắt buộc các trường được”.
Mùa hè “tự quản” của chị em tôi
Ba tôi làm công nhân, mẹ tôi lo buôn bán, mùa hè của chị em tôi là mùa hè “tự quản”.
Năm 11-12 tuổi, bạn bè rủ rê đi “sinh hoạt hè”. Chị em tôi cũng tham gia. Mỗi tuần 3-4 buổi tối, ăn cơm xong, khoảng 7 giờ, bọn trẻ con chúng tôi chạy đến sân trường, sân ủy ban phường để sinh hoạt vòng tròn. Có 2-3 anh chị phụ trách cho mỗi buổi sinh hoạt.
Ba tháng hè có rất nhiều việc để làm, để thi. Gọi là thi chứ thực chất là để bọn trẻ có cơ hội học những kỹ năng sống. Thi kéo co, thi nhảy bao bố, thi xe đạp chậm, chúng tôi đều phải có “chiến thuật”; thi đố vui về luật giao thông phải biết phân công trong nhóm, đứa nào chăm, chắc thì học thuộc lòng luật, đứa nào lanh lẹ, giỏi ứng biến thì xử lý đồ hình; tập hát, tập múa phải biết đến đúng giờ, tập trung tập luyện; thi kể chuyện minh họa phải biết diễn xuất…
Kết thúc mùa hè là cắm trại. Bọn nhỏ được học cách nấu cơm, cách bày bữa ăn, cách dọn dẹp… Bọn nhỏ cũng học được cách đếm quân số, trông chừng nhau để khi cần tập hợp thì không được chậm hơn đội bạn.
Chỉ sau 3-4 mùa hè, tôi đã là phụ trách đội, tôi phải học những kỹ năng khác để quản các em nhỏ. Bọn nhỏ chúng tôi lớn lên từ những mùa hè…
QUỲNH NHƯ
Theo kế hoạch tổ chức hoạt động hè của Sở GD&ĐT TP.HCM, ban chỉ đạo sinh hoạt hè ở mỗi trường phối hợp với ban chỉ đạo sinh hoạt hè địa phương tổ chức các hoạt động:
– Tuyên truyền pháp luật, giáo dục HS về truyền thống lịch sử, đạo đức lối sống bằng những hoạt động như tham quan bảo tàng, khu di tích; thăm hỏi và tri ân gia đình liệt sĩ; thực hiện năm điều Bác Hồ dạy; tuyên truyền văn hóa giao thông…
– Tổ chức các hoạt động vui chơi, phát động phong trào rèn luyện kỹ năng, nâng cao sức khỏe, thể chất cho HS; định hướng các em tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh.
– Tổ chức các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho thanh thiếu nhi. Ôn tập văn hóa hè sinh động, giúp đỡ các HS có học lực yếu, kém.
Ban chỉ đạo hè các địa phương tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, HS nghèo hiếu học, tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi ở mái ấm, nhà mở… Các trường THPT tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí và cơ sở vật chất, chỉ đạo đội ngũ chi đoàn giáo viên, HS tham gia tốt chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ do Thành đoàn tổ chức.
PHẠM ANH (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)