Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Kế hoạch xây tàu Hyperloop 1.200km/h dưới dãy Alps

Tạp Chí Giáo Dục

Tàu siêu tốc của công ty khởi nghiệp Swisspod sử dụng động cơ cảm ứng tuyến tính, có thể chở khách ở tốc độ trên 1.000km/h.
Swisspod dự định đưa đường tàu siêu tốc vào hoạt động trong 4 - 5 năm
Swisspod dự định đưa đường tàu siêu tốc vào hoạt động trong 4 – 5 năm.
Công ty Swisspod ở Monthey đang kế hoạch xây dựng hệ thống tàu siêu tốc vận chuyển hành khách và hàng hóa từ Geneva tới Zurich chỉ trong 17 phút hoặc từ New York tới Washington, DC trong 30 phút. Thời gian di chuyển trên chỉ bằng 1/9 thời gian để thực hiện hành trình tương tự bằng tàu hỏa ở Thụy Sĩ và 1/7 thời gian thông thường để đi cùng chặng ở Mỹ với lượng carbon rất nhỏ so với sử dụng máy bay.
Swisspod dự định đưa đường tàu siêu tốc vào hoạt động trong 4 – 5 năm, theo Denis Tudor, giám đốc điều hành kiêm nhà đồng sáng lập công ty. Trong vòng 9 tháng tới, họ sẽ tìm ra cách triển khai công nghệ dựa trên kết quả ở cơ sở thử nghiệm nhỏ. Tudor cho biết mẫu tàu của công ty ông sẽ chạy với tốc độ 1.000 – 1.200 km/h nếu chế tạo thành công hệ thống đẩy theo yêu cầu. Công ty không tiết lộ chi phí cho dự án tham vọng này, nhưng nếu lăn bánh, tàu chở khách sẽ tự động giảm tốc khi vòng qua đường hầm để cung cấp hành trình êm ru.
Hyperloop là phương pháp di chuyển mà một số công ty đang phát triển để vận chuyển hành khách ở tốc độ cao giữa những địa điểm xa nhau. Ý tưởng này được đề xuất lần đầu tiên năm 1910 bởi kỹ sư người Mỹ Robert Goddard và thu hút sự quan tâm của tỷ phú Mỹ Elon Musk năm 2013. Nhưng dự án của Swisspod độc đáo ở chỗ dựa vào động cơ cảm ứng tuyến tính ở tàu tự động tốc độ cao. Động cơ cảm ứng tuyến tính trực tiếp tạo ra chuyển động theo đường thẳng, khác với chuyển động xoay tròn của bánh xe. Các dự án tàu siêu tốc Hyperloop khác sử dụng hệ thống đệm từ gồm hai bộ nam châm, một để giữ tàu lơ lửng phía trên đường chạy và một để đẩy tàu về phía trước, giúp giảm đáng kể ma sát.
Swisspod và đối tác EPFL vừa hoàn thành chế tạo nguyên mẫu đường chạy thu nhỏ dành cho dự án với kinh phí từ chính phủ Thụy Sĩ. Phiên bản nhỏ hình tròn của hệ thống cuối cùng có đường kính khoảng 40 m, nằm ở Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ. Ống chân không lớn sẽ cho phép các chuyên gia kiểm tra động cơ cảm ứng tuyến tính giữ vai trò đẩy tàu. Các dự án Hyperloop khác đang diễn ra tại Cảng Hamburg, Toulouse, và trên sa mạc Nevada dưới sự chỉ đạo từ công ty Virgin Hyperloop của Sir Richard Branson.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)