Bộ phim là một giả tưởng về cuộc sống tương lai. Khi đó, người ta chỉ nằm ở nhà, kết nối với những "robot đại diện" để chúng sống, trải nghiệm thay cho mình. Đằng sau những pha hành động căng thẳng, là triết lý sâu sắc về quan hệ người – người, hiện thực – mơ ước, quá khứ – tương lai.
Poster phim "Kẻ thế mạng" (Surrogates) |
Câu chuyện về một ước mơ hoàn hảo
Một ngày nọ trong tương lai, người ta sáng chế ra những robot, từ loại đơn giản chỉ biết di chuyển, nói năng một cách rất "máy móc", cho đến loại đắt tiền, xương thịt da dẻ, điệu bộ khóc cười hệt như một bản sao của "người thật", thậm chí còn có các khả năng siêu phàm mà "chủ nhân" nó không có được.
Tùy túi tiền khác nhau, mà người ta chọn mua và đặt hàng các tính năng, kiểu dáng cho "robot đại diện". Có người chọn một robot mang chút ít hình bóng thực của mình, cũng có người chọn một lúc nhiều robot khác nhau, với đặc trưng hoàn toàn khác xa bản thân, từ giới tính cho đến hình thể dáng vóc. Sau khi mua xong, chỉ cần gắn chip, đăng kí kết nối…, từ đó "người thật" chỉ cần nằm nhà, dùng não mình điều khiển cho robot đại diện bước ra đường, sống và trải nghiệm thay cho mình tất cả mọi chuyện trong cuộc đời thực.
Bắt đầu với bối cảnh một án mạng bí hiểm, đặc vụ FBI Tom Greer (Bruce Willis) tiến hành điều tra. Thông thường, khi robot đại diện bị “ngủm”, chủ nhân của nó chẳng sao cả. Nhưng đột ngột, nhiều người bỏ mạng cùng lúc với robot đại diện. Bằng chính con người thật của mình, đặc vụ Tom Greer đã lần ra câu trả lời. Cuộc điều tra đã bóc tách những nếp gấp sinh tử về lợi ích và sự hủy diệt.
Phải sống như chính con người
Tượng trưng cho giấc mơ về sự hoàn hảo, tất cả người máy đại diện đều xinh đẹp, trẻ trung, tràn đầy sinh lực. Trong khi đó, con người – hình mẫu đích thực lại ốm đau, bệnh tật, yếu đuối. Lúc robot phải sạc pin, con người thật lọ mọ bước ra từ giường bệnh với dáng vẻ nhăn nhúm, bệnh hoạn và đầy yếm thế.
Người máy dần chiếm lĩnh mọi ngóc ngách quan trọng của cuộc sống. Robot tượng trưng cho ước mơ về sự hoàn hảo, còn những người cố tranh đấu, níu giữ quyền làm người trọn vẹn thì trở thành cộng đồng thiểu số. Họ sống trong những khu ổ chuột tàn tạ. Và cũng chẳng ai ngờ, lãnh tụ tinh thần của họ, một nhà tiên tri, cũng là một người máy.
Ngay cả Tom Greer cũng luôn vật vã với mối quan hệ người – máy trong chính từng giây phút của cuộc sống hàng ngày, với chính vợ mình. Sự hoàn hảo luôn mâu thuẫn với thực tế, và con người sẽ bắt buộc phải tự gỡ những hệ lụy của mình. Ở cuối phim, Tom Greer đã ngắt kết nối giữa hệ thống và mọi robot, để tránh một thảm họa diệt vong. Khi tất cả người máy đại diện lăn ra chết, những con người thật bàng hoàng, không biết bấu víu vào đâu, ngoài chính mình.
Bộ phim pha trộn rất nhiều yếu tố có thực: sự phát triển công nghệ, trí thông minh nhân tạo, trò chơi điện tử cộng đồng trên mạng, những “trò vui” đặc trưng Hollywood (rượt đuổi, bắn súng, khói lửa, va chạm dây chuyền…). Nhưng sau những pha hành động căng thẳng, là triết lý sâu sắc về quan hệ người – người, hiện thực – mơ ước, quá khứ – tương lai…
“Kẻ thế mạng” là một bước nữa trong hành trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi đã đeo đẳng từ nhiều ngàn năm: tương lai con người sẽ ra sao? Người máy đại diện vừa là giấc mơ đẹp, vừa là ảo tưởng về sự trường sinh. Trong giấc mơ, trong ảo tưởng robot, cũng vẫn là hình bóng của con người: tham lam, tranh đoạt, tiêu diệt lẫn nhau để khẳng định sự độc tôn. Con người luôn khao khát một hình mẫu vượt lên trên giới hạn của chính họ. Nhưng khi phải đối mặt với tồn vong, mọi ảo tưởng sẽ rụng xuống, vỡ vụn, và lựa chọn thực tế bao giờ cũng đầy khắc nghiệt. Sẽ không một giấc mơ nào giúp con người quên đi thực tế đang phải đối chọi.
Có một điều lạ là phim Hollywood dù được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, suy tưởng và triết lý được đẩy rất xa và rất sâu, nhưng thường có những lỗi khá “ngố”. Trong “Kẻ thế mạng’ cũng có chi tiết như vậy. Đã đạt đến trình độ trí thông minh nhân tạo vi diệu, nhưng dữ liệu cực kỳ quan trọng vẫn phải sao chép bằng… USB!
Nhưng dẫu sao thì “Kẻ thế mạng” vẫn rất đáng xem.
(*) Phim đang được chiếu tại nhiều rạp ở TPHCM.
VŨ THƯỢNG (Theo SGTT)
Bình luận (0)