Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kẻ thủ ác đền tội!

Tạp Chí Giáo Dục

Bị địa phương đưa vào trung tâm chữa bệnh, giáo dục bắt buộc để cai nghiện, tuy nhiên sau khi trở về Đức vẫn tái nghiện. Trong cơn hoang tưởng, Đức vung dao đoạt mạng 2 người cùng một lúc. Những ngày tạm giam, rời xa ma túy Đức mới biết ân hận nhưng đã muộn màng…

Bị cáo Nguyễn Phú Đức bị tuyên y án tử hình

Y án tử hình

Sáng 26-9, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử bị cáo Nguyễn Phú Đức (32 tuổi, ngụ ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) về tội “Giết người”. Trước đó, tháng 4-2018, vụ án đã được TAND tỉnh Bến Tre đưa ra xét xử sơ thẩm, Đức bị tuyên án tử hình. Sau đó, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo cáo trạng, Đức là đối tượng nghiện ma túy. Tháng 12-2011, Đức được đưa vào Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh Bến Tre chữa bệnh bắt buộc, thời hạn 24 tháng. Năm 2015, hết thời hạn chữa bệnh, Đức trở về địa phương sau khi cai nghiện xong. Trong thời gian này, Đức vẫn tiếp tục tái nghiện rồi quen biết và có tình cảm với chị N.T.M.T (30 tuổi ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách). Biết Đức là kẻ nghiện ngập nên cha mẹ của chị T. là ông Nguyễn Văn Lình và bà Nguyễn Thị Vậy không đồng ý gả con gái cho Đức nên Đức nảy sinh ý định giết hai người này. Khoảng 16 giờ ngày 1-8-2016, Đức mang theo dao chét (dài khoảng  65cm)  đến  nhà chị T.

Đức cầm dao đi thẳng vào nhà bếp gặp bà Vậy đang nấu ăn, hung thủ vung dao chém bà Vậy liên tục nhiều nhát làm bà Vậy chết tại chỗ.  Đức tiếp tục cầm dao đi đến chòi giữ vườn của ông Lình, và phát hiện ông Lình vào nhà ông Lê Văn Trừ để trốn. Đức xông vào nhà ông Trừ nhưng không tìm thấy ông Lình mà thấy ông Trừ đang ngồi trên ghế chải tóc. Đức liền cầm dao chém ông Trừ liên tiếp khiến ông này cũng tử vong tại chỗ. Sau khi gây án, Đức cầm dao đi trên đường ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành thì bị người dân vây bắt cùng hung khí giao Công an xã Vĩnh Thành xử lý.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Đức cho rằng thời điểm gây án bị cáo đã ngưng sử dụng ma túy được một tuần. Y cho rằng do nghĩ cha mẹ vợ là “thầy bùa” chuyên dùng bùa chú để hại người khác, buộc người khác nghe theo ý mình nên nảy sinh ý định giết người.  Tuy nhiên, xét thấy hành vi của bị cáo man rợ, giết nhiều người không mâu thuẫn gì với bị cáo. Trước đó bị cáo đã được đưa đi cai nghiện nhưng lại trốn về và tiếp tục sử dụng ma túy dẫn đến hành vi phạm tội. Do đó, HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án tử hình với Nguyễn Phú Đức.

Tan vỡ ước mơ

Sau phần tòa tuyên án, buộc y án sơ thẩm, tử hình đối với bị cáo. Đức được dẫn ra xe chuyên dụng trước sân tòa. Phía sau không một người thân đến đưa tiễn. Giữa buổi trưa nhưng trời Sài Gòn trở gió, vần vũ như chực chờ đổ mưa, bị cáo đi chốc chốc ngoái đầu về phía sau nhưng càng mịt mờ vô vọng. Đức không còn đường lui cho mình…

Đức kể, từ nhỏ sống với gia đình, học chưa hết lớp 6 thì nghỉ ngang rồi bắt đầu tự lập bằng đi làm thuê làm mướn. Cuộc sống vất vả lấm lem từ nhỏ, Đức từng có ước mơ lớn lên sẽ làm một công việc ổn định, mỗi tháng gửi một ít tiền cho cha mẹ rồi tiết kiệm lo cho tương lai. Đức sẽ lấy vợ, xây một căn nhà nhỏ cho vợ buôn bán nhỏ… Ước mơ là thế nhưng năm 23 tuổi, khi đang hành nghề sửa chữa tàu hàng, công việc ổn định, thu nhập khá, Đức lại không vượt qua được sức cám dỗ, sa chân vào tệ nạn lúc nào không hay. Nghiện nặng đến nói nhảm, hoang tưởng, Đức bị bắt buộc đưa đi cai nghiện. Đức hồi tưởng lại: Bị cáo đi cai nghiện về thì tái nghiện, địa phương biết nên mới đến nói bị cáo đi uống methadone. Thời điểm đó bị cáo quen với T., bị cáo và T. cùng ươm cây giống để bán, hạ quyết tâm bỏ ma túy để làm lại cuộc đời. Nhưng được ít lâu, T. nói uống methadone sợ có tác dụng phụ. Bị cáo cũng sợ nên bỏ ngang… khiến con đường cai nghiện cứ trầy trật, lún sâu hơn vào vũng lầy không thoát ra được cho đến ngày gây trọng án.

Theo kết luận giám định của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (Đồng Nai), trước, trong và sau khi gây án sát hại bà Lình và ông Trứ, Đức được xác định bị bệnh rối loạn tâm thần do sử dụng nhiều loại chất ma túy với hoang tưởng chiếm ưu thế. Đức cúi mặt, giọng run run: “Thời gian trong trại tạm giam bị cáo đã tĩnh tâm suy nghĩ rất nhiều. Bị cáo rất ân hận vì không kiên trì cai nghiện đến nơi đến chốn, dẫn đến hành động ngông cuồng sát hại người vô tội… Bị cáo xin được một cơ hội cuối cùng để sửa sai, có cơ hội trở lại xã hội để bù đắp tội lỗi cho thân nhân các bị hại…”.

Bài, ảnh: Hồng Cầm

Bình luận (0)

Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kẻ thủ ác đền tội

Tạp Chí Giáo Dục

TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa mở phiên xét xử Phạm Đình Đương (SN 1993, trú thôn 2, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) về tội “Giết người” (ảnh). Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Phạm Đình Đương 23 năm tù giam, buộc bị cáo Đương bồi thường cho gia đình nạn nhân 113 triệu đồng. Theo cáo trạng, Đương và chị Thái Thị M. (SN 1993, trú xã Sơn Trung) làm quen với nhau thông qua mạng xã hội Zalo. Ngày 3-8-2014, Đương dùng xe máy chở chị M. đến dốc Truông Mung (thôn Nam Sơn, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn) tâm sự. Sau đó, giữa hai người phát sinh mâu thuẫn, Đương đã bóp cổ, dùng đá đập nhiều lần vào trán khiến chị M. tử vong rồi chiếm đoạt luôn chiếc điện thoại của chị M. bán lấy 800.000 đồng.

T.ĐỨC