Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Kế toán – nghề dễ kiếm việc làm

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Thí sinh trao đổi bài làm sau khi thi tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008. Ảnh T.TRNhu cầu về công việc kế toán trong xã hội ta hiện nay là vô cùng lớn. Bởi vì tất cả các dịch vụ, các công ty, cơ sở sản xuất lớn, vừa và nhỏ đều cần phải tiến hành công tác kế toán. Đây có thể nói là một nghề phù hợp với cả nam lẫn nữ, sinh viên ra trường kiếm được việc làm tương đối nhanh chóng. Và theo số liệu nghiên cứu, đến năm 2010 nước ta cần khoảng từ 2.000.000 đến 3.000.000 nhân viên kế toán làm việc.

Vậy kế toán là gì?

Kế toán là nghệ thuật thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ tài sản và sự vận động của tài sản (hay là toàn bộ thông tin về tài sản và các hoạt động kinh tế tài chính) trong doanh nghiệp nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho việc ra các quyết định về kinh tế – xã hội và đánh giá hiệu quả của các hoạt động trong doanh nghiệp.

Nhân viên kế toán sẽ thực hành quy trình kế toán, kiểm toán cơ bản; soạn thảo chính sách và tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp; thực hiện các phiếu thu, chi, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, làm báo cáo kế toán, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động kinh tế và tài chính cho các lãnh đạo của đơn vị kinh doanh hay nhà nước…

Những kỹ năng và những đức tính cần thiết của người kế toán: Công việc của người kế toán thay đổi, tiếp cận suốt ngày với những con số nên yêu cầu trước tiên là bạn phải yêu thích và học giỏi môn toán, nắm vững tin học. Vì yêu cầu chính xác trong từng con số nên bạn cần có tính kiên trì, cẩn thận, chu đáo và thực hiện chính xác các công việc được giao. Ngoài ra, bạn cần phải có tư duy logic cao; năng động, linh hoạt, nhạy bén với tình hình kinh tế thị trường; có khả năng ngoại giao tốt vì bạn thường là người sát cánh tham gia cùng giám đốc trong một số hoạt động đối ngoại của công ty…

Bạn có thể là nhân viên kế toán tại bộ phận kế toán của các ngân hàng, các công ty tài chính, công ty chứng khoán, các công ty quản lý đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hoặc các đơn vị sản xuất, thương mại, dịch vụ…

Tại Trường ĐH Hoa Sen ngành kế toán được đào tạo ở bậc ĐH, CĐ và cũng đang trong thời điểm nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 đối với những thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 đã tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH theo đề chung của Bộ Giáo dục năm 2008 với 3 khối A, D1, D3.

Nghề kiểm toán khác với kế toán như thế nào?

Điều đầu tiên mà nhiều học sinh muốn biết đó là sự khác nhau như thế nào giữa kế toán và kiểm toán? Đôi khi 2 ngành này còn được xếp học chung tại một số trường, vậy chúng ta có cùng chung chương trình đào tạo hay không?

Kế toán viên thì như trên đã trình bày, còn kiểm toán viên với chuyên môn của mình là người kiểm tra, xác minh tính trung thực của các báo cáo do các kế toán trình lên và họ phải đưa thông tin về thực trạng hoạt động tài chính của các doanh nghiệp. Dựa vào đó, các nhà doanh nghiệp sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về tình hình kinh tế, tài chính của đơn vị mình. Họ sẽ phải học những định nghĩa, phân loại, lịch sử hình thành, vai trò, hình thức tổ chức và qui trình kiểm toán; chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý; kiểm soát nội bộ; chuẩn bị kiểm toán; bằng chứng kiểm toán; kiểm toán trong môi trường tin học; báo cáo kiểm toán…

Những kỹ năng và những đức tính cần thiết của kiểm toán viên: Trước tiên họ phải là những người học giỏi và yêu thích môn toán vì suốt ngày họ phải làm việc liên quan tới những con số. Học cũng cần có tư duy phân tích và óc quan sát nên họ cũng phải là người chăm chỉ học giỏi, luôn có tinh thần ham học hỏi và ý thức cầu tiến, sự nhanh nhạy, năng động, sáng tạo. Họ cũng rất cần đức tính thận trọng, chính xác trong công việc. Đặc biệt họ cần có tính độc lập tự chủ, tầm nhìn rộng và chịu được áp lực cao của công việc…

Sau khi ra trường, những công việc cụ thể là: hoạch định chính sách và hoạt động kiểm toán, kiểm tra kế toán trong các tổ chức; lên kế hoạch tiếp nhận và thỏa thuận sơ bộ với khách hàng; thực hiện hợp đồng kiểm toán; xác định mức trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán; thu thập bằng chứng kiểm toán; lên kế hoạch chương trình kiểm toán tổng thể; bảo mật và lưu trữ hồ sơ kiểm toán…

Vị trí công việc: làm kiểm toán viên tại các công ty Kiểm toán, Tư vấn Tài chính; thanh tra các bộ ngành, vụ, cục, tổng cục; mở văn phòng tư hoặc làm việc tại các văn phòng của các công ty tư nhân, doanh nghiệp; làm việc tại các hiệp hội kế toán – kiểm toán…

Quang Huy

Trường ĐH Hoa Sen vừa công bố kế hoạch tuyển sinh hệ kỹ thuật viên năm 2008. Có 7 ngành thực hiện đào tạo với thời gian 24 tháng là: Anh văn thương mại, Thư ký y khoa, Kế toán – Tin học, Đồ họa multimedia, Quản lý và điều hành khách sạn nhà hàng và 2 ngành mới là Kỹ thuật âm thanh trong truyền hình điện ảnh, Thiết kế thời trang.

Chương trình thông qua việc lồng ghép các chứng chỉ quốc tế vào chương trình học, tạo cơ hội liên thông lên bậc cao hơn với các chương trình hợp tác quốc tế. Tổng quỹ thời gian từ khi tham gia chương trình Kỹ thuật viên cao cấp đến khi tiếp tục học liên thông với chương trình Hợp tác Quốc tế để lấy bằng Cử nhân khoảng từ 4 năm – 4,5 năm (tùy chương trình) sẽ tương đương với quỹ thời gian tham gia chương trình Cử nhân ĐH bình thường ( 4-4,5 năm).

Điều kiện dự thi và dự tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc đã dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo đề chung của Bộ GD- ĐT năm 2008 đạt từ 10 điểm trở lên đối với khối A, D và 12 điểm trở lên đối với khối B.

Thời gian nộp hồ sơ từ nay cho đến ngày 18-9-2008 tại số 8 Nguyễn Văn Tráng, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM (gần ngã 6 Phù Đổng Thiên Vương, ZEN Plaza). Đặc biệt, nhà trường có chế độ học bổng và cho vay vốn học tập dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…

Bình luận (0)