Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Kém sức bền do ăn uống

Tạp Chí Giáo Dục

Những bất cập trong khẩu phần ăn đang khiến người Việt không tận dụng hết tiềm năng phát triển chiều cao, sức bền… PGS-TS Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nói:

Bữa ăn cần cân đối các nhóm rau, thịt, chất béo và tinh bột – Ảnh: N.C.T.
– Thời gian gần đây xu hướng cải thiện chất và lượng trong bữa ăn của người Việt, đặc biệt ở thành thị, khá rõ nét. Trong đó tỉ lệ chất đạm trong khẩu phần tăng nhanh, lên mức 84 g/người/ngày, tăng gấp rưỡi so với điều tra 10 năm trước. Đó là nói bình quân chung, còn khu vực thành thị thì con số này cao hơn, lên mức 100g hoặc hơn nữa mỗi người. Tuy nhiên, chất khoáng nhiều nhất trong thịt là phốtpho, lượng canxi/phốtpho không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến sức bền, độ bền chắc của xương và răng. Nhu cầu mỗi người cần 1.000mg canxi/ngày, phụ nữ có thai cần 1.200mg, nhưng đáp ứng mới được khoảng 510 mg/người/ngày, tương đương chưa tới 60% nhu cầu, tỉ lệ canxi/phốtpho từ bữa ăn người Việt mới đạt 0,6-0,7 trong khi yêu cầu phải là 0,8.
Người Việt thiếu vi chất dinh dưỡng trầm trọng
Khoảng 60% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ nhỏ thiếu vitamin D, chế độ ăn hằng ngày chỉ đáp ứng được 60% lượng canxi và 10,6% lượng vitamin D cho trẻ 1-3 tuổi. Thiếu máu, thiếu sắt, thiếu canxi, vitamin D… ảnh hưởng đến chiều cao, cân nặng, sức bền của người Việt. Khảo sát trong nhóm trẻ 2-3 tuổi thấp còi có 24% trẻ thiếu máu, 37,5% trẻ thiếu vitamin A, 41% trẻ thiếu kẽm, trong khi với trẻ em sẽ giúp giảm bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm phổi, giúp tăng chiều cao…
* Như bà nói, ăn nhiều thịt sẽ ảnh hưởng đến sức bền, lý do vì sao vậy?
– Canxi là khoáng đa lượng, là thành phần chính của xương và răng, như tôi đã nói nhu cầu canxi của mỗi người khác nhau và nó có tác dụng giúp hấp thụ B12, là enzym giúp tiêu hóa mỡ ở tuyến tụy. Một tác dụng quan trọng nữa của canxi là có mặt trong quá trình co cơ để vận động, nếu thiếu canxi thì vận động sẽ kém, cơ không co được, sức bền giảm sút. Thiếu canxi không chỉ dẫn đến hạn chế tầm vóc mà còn hạn chế sức bền, ảnh hưởng mật độ xương, sự vững chắc của răng… Thực tế cho thấy bữa ăn người dân ở nhiều địa phương, đặc biệt là thành thị, có quá nhiều thịt, nhiều protein làm rối loạn cân bằng canxi, hạn chế hấp thu canxi. Việc ăn ít rau trong khẩu phần (như bình quân hiện nay là 200 g/người/ngày) cũng làm hạn chế hấp thu canxi.
* Tăng khẩu phần canxi, theo bà, cách nào là tốt nhất?
– Tăng nguồn cung cấp canxi trong khẩu phần dễ nhất là từ sữa. Mỗi 100ml sữa có 120mg canxi. Lượng sữa sử dụng đã có xu hướng tăng trong thời gian vừa rồi, nhưng bình quân mỗi người Việt mới sử dụng 14 lít sữa/năm, tương đương sữa sử dụng trong một tháng ở nước ngoài. Nhưng vẫn còn nhiều cách bổ sung canxi, ví dụ như tăng sử dụng các loại cá, nhất là cá nhỏ hầm nhừ ăn cả xương, hay sử dụng tôm thì canxi nhiều nhất là ở vỏ tôm, nên ăn nhiều tôm nhỏ còn nguyên vỏ. Ngoài ra, sử dụng sữa đậu nành cũng mang lại nguồn canxi đáng kể.
* Chất và lượng bữa ăn người Việt đã tốt hơn, nhưng về tỉ lệ như bà nói là còn chưa phù hợp. Theo bà, còn những bất hợp lý nào trong bữa ăn người Việt?
– Giá trị sinh học trong khẩu phần đã tốt hơn so với điều tra 10-20 năm trước nhưng vẫn còn những bất hợp lý. Cải thiện về bữa ăn chủ yếu mới là tăng thịt nhưng chưa tăng được sữa, lượng canxi trong khẩu phần. Trên phạm vi toàn quốc, bữa ăn người Việt chứa đựng những bất hợp lý, ví dụ như lượng rau thì điều tra 20 năm nay thấy không đổi, vẫn xung quanh 200g trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là 400g rau/người/ngày. Một bất hợp lý nữa là ăn mặn, người Việt đang ăn mặn gấp đôi so với khuyến nghị, tức là sử dụng đến 12g muối/người/ngày, đây là một trong  những lý do làm chứng bệnh tăng huyết áp tăng nhanh. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo muốn giảm bệnh tăng huyết áp thì cần giảm ăn mặn, điều chỉnh giảm những thực phẩm có ướp muối và chứa nhiều muối như thức ăn nhanh, đồ ăn ướp muối sẵn, chú ý giảm muối khi nêm nếm.
Ngoài ra trong chăm sóc trẻ, các bà mẹ đang có xu hướng thay 100% mỡ động vật bằng dầu thực vật. Đây không phải là xu hướng hợp lý để cho trẻ phát triển trí tuệ, thể trạng.
LAN ANH (TTO)

Ăn kiêng giảm tinh bột mệt thận
Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, nhiều người có xu hướng chạy theo chế độ ăn low carb, tức chế độ ăn giảm tinh bột, tăng thịt và các thực phẩm khác nhằm giảm cân. “1g protein có nhiều trong thịt và 1g gluxit có nhiều trong tinh bột cho năng lượng như nhau, nhưng chế độ ăn hoàn toàn không có tinh bột mà quá nhiều thịt, cơ thể phải chuyển hóa năng lượng từ protein sẽ tạo ra nhiều chất không có lợi, như axit uric lâu dài gây bệnh gout chẳng hạn và gây mệt cho thận” – bà Mai cho biết.
Cũng theo bà Mai, chọn tinh bột nên chọn loại có chỉ số đường huyết thấp như gạo lứt, khoai củ thì quá trình hấp thu tinh bột sẽ chậm hơn, còn bánh mì trắng, gạo trắng, bánh kẹo, nước ngọt… đều là sản phẩm có chỉ số đường huyết cao.
Điều tra về khẩu phần ăn người Việt kể trên là điều tra quốc gia (10 năm tiến hành một lần, lần gần nhất thực hiện năm 2010), trên 6.300 gia đình ở 63/63 tỉnh thành.


Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)