Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kênh rạch thoi thóp, sức khỏe người dân bị đe dọa

Tạp Chí Giáo Dục

Cải tạo kênh rạch, hạn chế ô nhiễm là một trong những hoạt động nằm trong chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của TP.HCM. Mỗi năm, ngân sách TP bỏ ra hàng chục tỷ đồng để làm công tác này, song chỉ vì sự thiếu ý thức của bộ phận người dân mà những con kênh tưởng đã hồi sinh nay lại đang chết dần chết mòn…

Con rạch trước Trường THCS Lê Văn Tám đen ngòm, hôi thối vì rác (ảnh chụp sáng 12-8). Ảnh: T.Tri

Thông tin từ Sở TN-MT TP, ô nhiễm nặng nhất phải kể đến các con kênh Nước Đen (Q.Bình Tân), kênh 19-5 (Q.Tân Bình), kênh Hiệp Tân (Q.Tân Phú), rạch Lăng (Q.Bình Thạnh), rạch Bàu Trâu (Q.6)…

Kênh, rạch đang “chết” dần

Rõ ràng, với nỗ lực của TP, môi trường các tuyến kênh đã chuyển biến tích cực như Tàu Hủ – Bến Nghé; Nhiêu Lộc – Thị Nghè… Những tuyến kênh này trước đây được mệnh danh là dòng kênh “chết” nay đã có sự thay đổi rõ rệt. Bên cạnh một số tuyến kênh đã được cải thiện đáng kể về tình trạng ô nhiễm rác thải, nguồn nước mặt, nước ngầm, TP.HCM còn nhiều kênh rạch vẫn chưa thể thoát ô nhiễm bởi rác, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp… xả trực tiếp ra môi trường.

Tuyến rạch đi qua cầu Chu Văn An, Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) mặc dù đã “ngốn” không ít tiền ngân sách cho cải tạo, dọn lục bình, cỏ dại, vớt rác tuy nhiên nhiều năm nay vẫn là một trong những tuyến kênh đen và hôi của quận. Ghi nhận của phóng viên, tình trạng xả rác của các hộ dân sống tạm hai bên rạch này diễn ra đều đặn mỗi ngày. Không những vậy, số ít người thiếu ý thức xả rác có cả người địa phương. “Đã bao năm rồi, tôi đưa đón hết con rồi bây giờ tới cháu đi học ở trường này nhưng không có gì thay đổi, thậm chí mùi hôi thối ngày càng nặng hơn”, một phụ huynh có cháu học ở Trường THCS Lê Văn Tám bức xúc.

Theo phụ huynh này: Sáng sớm nào cũng có người mua bán ở đâu đó điều khiển xe máy tới, ném cả bao rác xuống rạch rồi chạy luôn.

Tình trạng bức tử, lấn chiếm, thậm chí “xóa sổ” kênh rạch vẫn đang xảy ra tại một số địa phương. Cuối tháng 5-2016, UBND Q.7 đã lập biên bản xử phạt hành chính một công ty có hành vi san lấp một phần kênh rạch Ông Đội (KP.5, P.Tân Hưng) trái phép và chuyển hồ sơ xử phạt lên UBND TP.HCM. 

Các tuyến kênh, rạch nhỏ đổ ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trên địa bàn Q.Bình Thạnh cũng trong tình trạng thoi thóp vì rác. Bà Lưu Thị An (ngụ chung cư Phan Văn Hân, Q.Bình Thạnh) lắc đầu ngao ngán: “Nhiều năm trước có ô nhiễm nhưng đâu tệ như bây giờ, đi qua là phải bịt mũi”. Đó là bà An nói về cảnh ô nhiễm ở con rạch Phan Văn Hân, chảy qua cầu Tôn Thọ Tường (đường Phan Văn Hân, P.17, Q.Bình Thạnh). Nhiều năm nay, hệ thống tiêu thoát nước ở con rạch này gần như không hoạt động vì rác tắc nghẽn dòng chảy.

Con rạch phía sau Bến xe Bảo Trân (đường Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh) ngày càng ô nhiễm nặng. Bao nilon, xác chết động vật, lục bình nổi lềnh bềnh theo con nước đang lên. Con kênh này còn là nơi xả các loại rác, nước thải, dầu nhớt bẩn từ hoạt động của bến xe này trong nhiều năm qua.

Tình trạng cá chết trắng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vào đầu mùa mưa năm nay, nguyên nhân xác định là do nước bẩn từ các con rạch trong khu dân cư theo nước mưa ra kênh. Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, mặc dù chất lượng nguồn nước ở đây đã cải thiện, song vẫn chưa thể gọi là an toàn. Lo ngại không chỉ rác, nước thải sinh hoạt mà còn có cả nước thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đóng trên địa bàn lén lút xả thải trực tiếp không qua xử lý ra kênh.

Môi trường trong lành: Mơ về nơi xa lắm

Địa phương có số dân sống ven kênh rạch khá đông như Q.4, Q.7, Q.8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè… trong nhiều năm qua cũng đã có những bước thay đổi đáng kể về môi trường, chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, là nguyên nhân gây khó khăn trong việc tuyên truyền bảo vệ môi trường. Ghi nhận của phóng viên tại kênh Tẻ (Q.7), ý thức của một bộ phận thương hồ, cũng như người lao động nghèo ở ven kênh còn nhiều hạn chế, dẫn đến thói quen xấu là vứt rác xuống kênh.

Một cán bộ Phòng TN-MT quận này nói: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, ý thức của người dân về cơ bản đã thay đổi, song số ít do trình độ nhận thức còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng vứt rác xuống kênh”.

Trước thực trạng nhiều kênh, rạch ở nội thành đang “chết” đã ảnh hưởng đến môi sinh các tuyến kênh lớn, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường tích cực phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp lệnh bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với thanh tra, cảnh sát môi trường và các cơ quan chuyên môn thanh kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn, xử lý triệt để các cơ sở sản xuất có hành vi xả thải không qua xử lý, “đầu độc” môi trường.

Ô nhiễm môi trường đã và đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của khoảng 10 triệu dân TP. Xem ra môi trường sống trong lành, góp phần nâng chất lượng cuộc sống vẫn còn là chuyện trong mơ của người dân TP.HCM.

Trần Anh

Bình luận (0)