HĐND TP.HCM vừa thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên giai đoạn 2021-2025. Chủ trương này không chỉ thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm trong việc chỉnh trang đô thị của TP mà còn mang đến nhiều niềm vui, kỳ vọng cho người dân ven kênh. Bởi “dòng kênh chết” sắp được hồi sinh, người dân không còn phải ngửi mùi hôi thối mỗi ngày do rác thải, ngập nước…
Đoạn kênh Tham Lương trước đường số 51, P.14, Q.Gò Vấp cỏ mọc um tùm, nước đen ngòm, rác thải bủa vây. Ảnh: M.P
Bãi rác dài vô tận
Sống ở khu vực kênh Tham Lương (đường 51, P.14, Q.Gò Vấp) hơn 30 năm, ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: “Nghe tin dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương sắp thực hiện, gia đình tôi và người dân nơi đây vô cùng phấn khởi. Chúng tôi mong muốn dự án thực hiện đúng kế hoạch để trả lại dòng sông trong xanh của trước kia, xóa cảnh nhiều năm người dân phải ngửi mùi hôi thối xộc lên mỗi ngày do nước sông ô nhiễm, rác thải các loại”.
Ông Phúc kể, khoảng năm 2000 về trước, kênh Tham Lương trong xanh, thoáng mát, là hồ điều tiết cho khu vực Gò Vấp. Nhưng gần 20 năm nay, tuyến kênh trở thành nơi tập kết rác, nước thải sinh hoạt, nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp. Kênh bắt đầu chuyển sang màu đen, nhếch nhác, hôi thối, cỏ dại um tùm. Đã từng có một số đoàn đến khảo sát, đo đạc, nạo vét bùn nhưng được vài hôm rồi dừng. Nhiều năm trời người dân phải chấp nhận cảnh sống trong bầu không khí ô nhiễm và luôn lo lắng bệnh tật đến lúc nào không hay.
Hàng xóm của ông Phúc là bà Hai Tới cũng bày tỏ vui mừng khi nghe tin dòng kênh sắp được cải tạo. Bà cho biết: “Trước đây kênh trong xanh, thoáng sạch. Chiều chiều người lớn, trẻ nhỏ lui tới tập thể dục ven kênh rất đông. Dưới kênh, ghe thuyền chở trái cây, lúa gạo từ các tỉnh Long An, Bến Tre vào TP tấp nập. Nhưng giờ đây, kênh ô nhiễm quá nên ít người lui tới, tàu thuyền hoạt động cũng giảm vì độ lưu thông bị hạn chế. Chúng tôi mong muốn kênh Tham Lương sớm cải tạo, có được diện mạo mới giống như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè để người dân bớt khổ; để người lớn, trẻ nhỏ lại có nơi sinh hoạt, tập thể dục, thư giãn, hóng mát mỗi ngày”.
Sống nhiều năm ven kênh Tham Lương, bà Hai Tới mong mỏi dòng kênh sớm được cải tạo, trả lại bầu không khí trong lành cho người dân. Ảnh: M.P
So với khu vực Q.Gò Vấp, một số đoạn kênh Tham Lương chảy qua khu vực P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân còn tệ hơn nhiều. Dòng kênh đã bị vùi lấp hoàn toàn bởi rác thải, cỏ dại. Ông Ngô Quốc Trung – người dân sinh sống khu vực này – cho biết, cỏ dại và rác nhiều đã biến dòng kênh trở thành nơi sinh sống của các loại côn trùng, ruồi muỗi.
“Nếu dự án cải tạo tuyến kênh này sớm hoàn chỉnh thì TP lại có thêm tuyến kênh xanh, sạch. Không chỉ mang đến diện mạo mới cho các quận, huyện khi dòng kênh được trả lại đúng vị trí còn thúc đẩy hoạt động giao thông đến các tỉnh, thành khác”, ông Trung nói.
8.200 tỷ đồng hồi sinh “kênh chết”
Kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên chảy qua 7 quận, huyện gồm: Q.12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, Bình Thạnh và Bình Chánh. Kênh này kết nối với tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn.
Theo những người dân sống xung quanh khu vực, nguyên nhân kênh bị ô nhiễm, trở thành “kênh chết” là do tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng mạnh, khu công nghiệp, xưởng sản xuất xây dựng nhiều, kênh trở thành nơi tập kết rác các loại và nước thải sinh hoạt.
Việc HĐND TP chính thức thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên giai đoạn 2021-2025 đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm trong việc chỉnh trang đô thị của TP. Bởi trước đó năm 2004, TP đã khởi động triển khai dự án nhưng do vướng mắc về vốn thực hiện nên phải tạm ngưng.
Đoạn kênh Tham Lương nhìn từ cầu Tham Lương, đường Trường Chinh. Ảnh: M.P
Ông Hà Phước Thắng – Thành ủy viên, Chánh văn phòng UBND TP.HCM – cho biết: “Dự án thực hiện nhằm tiêu thoát nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông. Đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế – xã hội TP trong tương lai. Dự kiến năm 2022 khởi công và hoàn thiện 2025”.
Theo dự án, tổng vốn đầu tư cải tạo môi trường tuyến kênh này lên đến 8.200 tỷ đồng, trong đó 4.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương, còn lại từ ngân sách TP. Dự án sẽ thực hiện xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường toàn tuyến khoảng 32,7km qua 7 quận, huyện; trong đó có hạng mục bờ kè và nạo vét, chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường, góp phần cùng các dự án khác đảm bảo giao thông đường thủy.
Minh Phương
Bình luận (0)