Tòa soạnHoạt động tòa soạn

Kênh thông tin cho thầy cô giáo và học sinh vùng sâu

Tạp Chí Giáo Dục

Trước đây tôi công tác bên Đài Truyền hình, khi được vào công tác tại Báo Giáo dục TP.HCM tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ quý giá của các anh, chị đồng nghiệp trong tòa soạn. Ở văn phòng đồng bằng sông Cửu Long đặt tại Cần Thơ, ít khi được gặp đồng nghiệp tại tòa soạn nhưng tôi luôn cảm nhận tình cảm ấm áp và sự quan tâm của các anh, chị, em dành cho “người vùng trũng” phương xa. Trước đây khi chị Lê Ý Cơ, Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung còn sống, chị và tôi hay trao đổi công việc và nhiều vấn đề trong cuộc sống; Chị dịu dàng động viên, hướng dẫn cách tháo gỡ nếu tôi gặp trở ngại. Trong tim tôi, hình ảnh xinh đẹp, nhân hậu của một nhà giáo, nhà báo của chị luôn có chỗ đứng nhất định.

Một trong những điểm nổi bật của Giáo dục TP.HCM mà tôi rất tâm đắc, là luôn giữ đúng tôn chỉ đạo đức của người làm báo, tính mô phạm mẫu mực của nhà giáo, không chạy theo những tin scandal để “câu” like, câu độc giả; tuyệt đối không đưa tin sai sự thật, không dùng ưu thế của truyền thông để “đánh” ai. Đặc biệt, trong lĩnh vực GD-ĐT. Ban Biên tập rất sáng suốt khi nêu những vấn đề về giáo dục, không tô hồng, bôi đen hoặc chạy theo thành tích giả tạo. Quan điểm này không chỉ là tôn chỉ đạo đức của người làm báo mà còn vô cùng cần thiết đối với lĩnh vực giáo dục, khi mà vô số thành tích ảo, bằng cấp giả, học giả bằng thật… đang khá phổ biến.

Thật may mắn cho tôi trong quá trình tác nghiệp, Ban Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ cũng đi theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục thực chất, không chạy theo thành tích ảo. Do vậy những trường trọng điểm – chất lượng cao của thành phố lại chính là những đơn vị có tỷ lệ HS ở lại lớp nhiều nhất, vì sau bao nỗ lực quan tâm, phụ đạo của các thầy cô giáo, các em này vẫn không thể đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng cơ bản, Ban Giám hiệu trường quyết định cho các em ở lại lớp để rèn luyện thêm, vì theo họ: “Giữ các em lại chỉ làm tăng thêm quy mô HS vốn đã quá tải. Nhưng đẩy các em lên lớp trên trong khi không đủ năng lực học tập, như vậy là vô nhân đạo, là có tội với tương lai các em”. Quan điểm nhân văn và đầy trách nhiệm đối với HS của các trường này khiến tôi rất trân trọng.

Mặt khác, nhờ luôn đưa tin theo tôn chỉ tôn trọng sự thật, biểu dương cái tốt, phê phán những mặt còn tồn tại một cách xây dựng, nên Báo Giáo dục TP.HCM từng bước nhận được sự quý mến, tin cậy các cấp lãnh đạo và đông đảo người dân miền Tây Nam bộ, đặc biệt là ngành GD-ĐT.

Đan Phưng (ghi)

+ Ông Nguyễn Hữu Định – Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ):

Trong những năm qua, Trường THPT Thới Lai luôn đồng hành cùng Báo Giáo dục TP.HCM. Thực tế cho thấy, báo luôn truyền tải kịp thời những thông tin về tình hình kinh tế – xã hội trong nước và các địa phương, trong đó có Cần Thơ; tình hình GD-ĐT nói chung và tình hình GD-ĐT của Cần Thơ nói riêng, trong đó có Trường THPT Thới Lai. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên và HS của trường rất quan tâm đến các chuyên mục Tuyển sinh và Nhịp sống học đường, 2 chuyên mục này đưa tin chính xác và kịp thời để phụ huynh và HS có những định hướng phù hợp trong việc lựa chon ngành, nghề. Hàng năm, Trường THPT Thới Lai vinh dự được Báo Giáo dục TP.HCM quan tâm đưa những tin, bài về hoạt động hỗ trợ HS ôn thi THPT quốc gia của trường. Qua kênh thông tin của báo, nhiều nhà hảo tâm và các mạnh thường quân hỗ trợ nhà trường nhiều hơn trong công tác tổ chức hoạt động ôn thi cho các em HS…

+ Ông Võ Hồng Lam – Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ): 

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của loại hình báo chí người dân có nhiều lựa chọn hơn trong cách tiếp cận thông tin. Riêng với lĩnh vực GD-ĐT, trên địa bàn quận, chúng tôi rất tin tưởng và chọn Báo Giáo dục TP.HCM để đồng hành. Ở báo, chúng tôi tiếp cận được nhiều thông tin bổ ích ở hầu khắp lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, sức khỏe, thể thao, thông tin thời sự, đặc biệt là những bài viết về giáo dục và đào tạo khắp mọi miền đất nước. Chúng tôi được chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo từ các cơ sở GD-ĐT của các địa phương, những tấm gương tận tụy với nghề của thầy cô giáo, và những nỗ lực vượt khó học giỏi của HS, từ những ngòi bút nhiệt thành của người làm báo trên lĩnh vực GD-ĐT. Qua đó tiếp thêm động lực cho đội ngũ nhà giáo vững tin trong hoạt động nghề nghiệp, nhất là trong bối cảnh toàn ngành phấn đấu thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới sắp triển khai…

 

Bình luận (0)