Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kéo con ra khỏi những suy nghĩ nhỏ nhen

Tạp Chí Giáo Dục

Vì nhỏ nhen, ích kỷ, luôn muốn mình là trung tâm nên Khoai luôn bị ám ảnh đến nỗi cả trong giấc mơ Khoai cũng bị giật mình vì lo sợ người khác lấy hết đi của mình.

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T

Khoai lên 7 tuổi nhưng luôn có những suy nghĩ và hành động rất ích kỉ, nhỏ nhen. Cậu bé thường khiến cha mẹ buồn lòng bởi không bao giờ thích bạn nào hơn mình, có đồ chơi đẹp thì cứ giữ khư khư không chia sẻ cho ai chơi cùng. Khổ nỗi là dù mẹ có mua cho hai anh em áo quần đẹp, nhưng Khoai vẫn cứ đòi phần mình đẹp hơn, nhiều hơn. Cha có chia bánh kẹo cho cả hai anh em thật giống nhau thì Khoai cũng phân bì, so đo này nọ. Đi học thì Khoai thường có thái độ hằn học khi thấy cô giáo khen bạn giỏi mà chưa khen mình. Tóm lại, lúc nào Khoai cũng ngự trị tâm lý “sợ người khác hơn mình”.

Không ít bậc cha mẹ rơi vào tình huống như gia đình cậu bé Khoai nói trên, nhưng cũng có người cho rằng đó là hành động con nít, lớn lên hiểu cuộc đời hơn trẻ sẽ tự khắc phục những điểm xấu của bản thân để hòa nhập vào cuộc sống nên không bận lòng đoái hoài để giáo dục con. Song thực tế, các bậc phụ huynh nên lưu ý đừng vội bỏ qua những suy nghĩ và hành vi nhỏ nhen vì tính đố kỵ có thể trở thành một phần trong nhân cách của trẻ. Mặt khác, nếu tính nhỏ nhen luôn ngự trị trong lòng sẽ khiến trẻ dễ bị kích động, từ đó trẻ sẽ có những suy nghĩ, hành động tiêu cực. Điều này ảnh hưởng xấu đến sự tiến bộ của trẻ và cản trở sự hoàn thiện nhân cách trẻ sau này.

Giúp con nhận thức đầy đủ về bản thân. Con người không có ai là hoàn hảo, mỗi người đều có những điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình. Cha mẹ không những đánh giá con phải chính xác, mà còn phải giúp con hình thành khả năng nhận thức đúng đắn về bản thân. Ai cũng mong muốn được ghi nhận lời khen ngợi là niềm khích lệ lớn. Đặc biệt là đối với trẻ. Song lời khen ngợi đó phải đúng người, đúng việc. Nếu gia đình biết động viên con đúng cách và chính đáng có thể làm tăng lòng tự tin, tự trọng ở trẻ, thôi thúc trẻ không ngừng phấn đấu để tiến bộ.

Nâng cao hiểu biết về ý nghĩa của sự chia sẻ và lòng bao dung. Dạy con biết cách sống chung với những thành công của người khác. Biết tiếp nhận và xem đó là động lực để mình phấn đấu. Hầu hết trẻ đều cảm thấy chạnh lòng khi mình chưa bằng bạn, bằng bè. Vốn sống và kỹ năng còn hạn chế, nên không ít trẻ sẽ rất cay cú, tức tối khi người khác hơn mình. Cha mẹ hãy giúp trẻ thấy đó là điều bình thường trong xã hội. Mỗi người có một sở trường, thế mạnh khác nhau. Con có thể giỏi toán hơn bạn Tuấn, bạn Nam nhưng bạn ấy sẽ giỏi hơn con một lĩnh vực khác. Điều quan trọng là con một mặt vừa cố gắng để phát triển thế mạnh của mình, mặt khác vừa tiếp thu những mặt tốt của bạn để hoàn thiện bản thân. Dạy trẻ biết chia sẻ và ghi nhận những thành công của người khác là cách giúp mình sống rộng lượng hơn. Trong cuộc sống, để gặt hái thành công không chỉ dựa vào sự cố gắng của bản thân mà còn dựa vào sự chung sức giúp đỡ của nhiều người. Trẻ cần hiểu sâu sắc rằng, một người khác được  khen ngợi hay ghi nhận thì không tổn hại gì đến sự phát triển của nó cả.

Bồi dưỡng cho trẻ khả năng phân tích vấn đề. Hằng ngày, cha mẹ cố gắng tạo môi trường cho trẻ trải nghiệm năng lực của mình, cho trẻ nhận thấy mặc dù mình rất giỏi nhưng vẫn có người giỏi hơn hoặc không phải chỉ có mình là nhất, cái gì cũng đứng đầu, cái gì cũng làm được. Nếu cha mẹ thường xuyên nghĩ cách giúp trẻ hình thành thói quen suy ngẫm, phân tích vấn đề, tình cảm của trẻ sẽ không ngừng được bồi đắp. Tâm lý trẻ  sẽ ngày càng vững vàng. Khi đó, nếu có ai giỏi hơn mình trẻ cũng nhanh chóng dùng lý trí để chế ngự tính nhỏ nhen, đố kỵ của bản thân.

Trẻ có tâm lý nhỏ nhen thường có điểm yếu là tự cho mình là trung tâm, không muốn ai qua mặt mình. Trong giáo dục trẻ, cha mẹ cần khéo léo khen ngợi những người tài giỏi, gặt hái nhiều thành công và khuyến khích con khiêm tốn noi gương những điểm mạnh của người khác. Tích cực ủng hộ trẻ nỗ lực vươn lên, chiến thắng bản thân, để trẻ ngự trị tâm lý nhỏ nhen trong lòng. Dạy trẻ biết thông cảm, chia sẻ với những thành công của người khác. Cần tỏ ra thái độ kiên quyết không đồng ý khi trẻ tỏ thái độ hý hửng, vui mừng trước tai họa của người khác. Khi trẻ gặp khó khăn, thử thách hay thất bại phải kiên nhẫn cùng trẻ làm rõ nguyên nhân, ủng hộ trẻ quyết tâm làm lại, không trách móc, đay nghiến trẻ. Giáo dục trẻ biết vui mừng trước thành quả của bạn bè, người xung quanh, thông cảm, xót thương với nỗi bất hạnh của người khác và luôn biết tự tin, tự trọng, sẵn sàng đối mặt với thử thách và làm lại khi gặp thất bại.

Hoàng Vân (Giảng viên tâm lý học)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)