Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Kéo dài sự sống cho người bệnh AIDS

Tạp Chí Giáo Dục

Điều trị bằng thuốc ARV giúp giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.  Ảnh: T.L
“Sử dụng thuốc điều trị retrovirus (gọi tắt là thuốc kháng ARV) sớm hơn sẽ giúp cho người nhiễm HIV/AIDS hồi phục dần hệ miễn dịch, sống lâu hơn, mạnh khỏe hơn và giảm đáng kể nguy cơ lan truyền bệnh tới người khác. Tuy nhiên, sắp tới đây việc điều trị của bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn vì kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế bị cắt giảm”, TS.BS Lê Trường Giang (Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM) cho biết.
Tăng hệ thống miễn dịch, tăng tuổi thọ
Virus HIV tồn tại trong cơ thể sẽ xâm nhập, phá hủy các tế bào miễn dịch của cơ thể dẫn đến hệ thống miễn dịch suy giảm, khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc thêm nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Gây tổn thương đến các bộ phận trong cơ thể như hệ thần kinh (gây u não, viêm màng não, áp xe não…); hệ hô hấp (gây viêm màng mủ phổi, lao phổi, nấm phổi…); viêm gan gây viêm gan mạn tính (gây xơ gan, ung thư gan…), nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Việc điều trị thuốc kháng ARV nhằm ức chế sự phát triển và nhân lên của virus HIV trong tế bào cơ thể người, giảm số lượng virus, giảm sự xâm nhập, phá hủy các tế bào miễn dịch của cơ thể, giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể dần hồi phục, có khả năng chống đỡ lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng tuổi thọ cho người bệnh. Riêng trường hợp phụ nữ mang thai thì việc điều trị dự phòng cho mẹ, điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV có hiệu quả to lớn, làm giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì người bị nhiễm HIV/AIDS được điều trị thuốc kháng ARV có thể đẩy lùi thêm 3 triệu người chết và ngăn ngừa hơn 3,5 triệu ca nhiễm mới HIV từ nay đến năm 2025, trong đó giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con xuống dưới 3%. Tại TP.HCM, tính đến năm 2010 tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con còn dưới 3%, hiện nay dưới 1,6%.
TS.BS Lê Trường Giang khẳng định, tại TP.HCM, số ca nhiễm HIV/AIDS phát hiện hàng năm và số ca tử vong do HIV/AIDS giảm nhanh nhờ triển khai tốt các công tác phòng chống lây nhiễm và điều trị dự phòng cho người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có việc sử dụng thuốc kháng ARV. Vì thế việc mở rộng sử dụng thuốc kháng virus ARV là rất cần thiết, giúp thành phố thực hiện tốt mục tiêu hướng đến đẩy lùi, không còn người nhiễm mới. Theo đó AIDS không phải là căn bệnh tử thần mà trở thành bệnh mạn tính có thể kiểm soát được.
Không có tiền, người bệnh khó điều trị thành công
Đối với người bệnh, ước tính chi phí điều trị thuốc kháng ARV dự phòng với phác đồ 1 là 300 ngàn đồng/bệnh nhân/tháng, phác đồ 2 là 1,5 triệu đồng/bệnh nhân/tháng. Đặc biệt trước khi điều trị, đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước như khám lần đầu, lập bệnh án ngoại trú, đánh giá giai đoạn lâm sàng, xét nghiệm cơ bản, sàng lọc lao, xét nghiệm CD4, viêm gan siêu vi B, C, tập huấn, đánh giá sẵn sàng điều trị ARV… Bệnh nhân cần tuân thủ đúng quá trình điều trị như uống thuốc theo toa, đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian, đúng cách, liên tục trên 95%… như vậy mới đảm bảo sự thành công. BS.CKII Võ Xuân Huy (Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM) cho biết: “Nếu quá trình điều trị bị gián đoạn, bệnh nhân bỏ thuốc sẽ dẫn đến hậu quả ức chế virus không đầy đủ, virus kháng thuốc, bệnh tiến triển dẫn đến nguy cơ lây truyền virus kháng thuốc, hạn chế phác đồ điều trị, tiếp tục lại tăng chi phí điều trị”.
Tuy nhiên, sắp tới đây việc bệnh nhân được điều trị ARV và tuân thủ quá trình điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về kinh phí điều trị. TS.BS Lê Trường Giang chia sẻ, lâu nay phần lớn kinh phí hoạt động phòng chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, người bệnh được điều trị miễn phí. Nhưng sắp tới nguồn kinh phí của các tổ chức quốc tế sẽ bị cắt giảm trong khi nhu cầu điều trị tăng, tình hình dịch phức tạp. Trong khi đó, hầu hết người bị nhiễm HIV/AIDS có kinh tế không ổn định, thu nhập thấp, do sự kỳ thị khiến họ càng khó xin việc, khó làm ăn. Như vậy thiếu tiền dễ dẫn đến gián đoạn việc điều trị. Đây cũng là khó khăn ảnh huởng đến hoạt động phòng chống, đẩy lùi HIV/AIDS của nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Để khắc phục khó khăn về kinh phí cũng như công tác điều trị cho bệnh nhân hiệu quả và nhân rộng đến nhiều người, TS.BS Lê Trường Giang cho rằng, trước hết chúng ta nên định hướng lại các mô hình chống HIV/AIDS để giảm chi phí, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Mở rộng điều trị thuốc kháng ARV theo phương thức xã hội hóa và sử dụng bảo hiểm y tế để tăng thêm nguồn lực cho công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó cần bán thuốc điều trị với giá ưu đãi, như vậy sẽ quản lý các loại thuốc điều trị ngoài thị trường một cách chặt chẽ.
Ngọc Trinh
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam, hiện nay cả nước đã phát hiện khoảng 213.000 bệnh nhân HIV/AIDS còn sống, trong đó ước tính khoảng 150.000 bệnh nhân HIV cần được điều trị bằng thuốc kháng ARV. Tính ra trung bình mỗi năm cả nước cần khoảng 300 tỷ đồng để mua thuốc kháng ARV. Riêng tiền mua thuốc năm 2013 khoảng 23 tỷ đồng, chiếm chưa đến 10% nhu cầu kinh phí để mua thuốc kháng ARV. 
 

Bình luận (0)