Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Kéo dài xét tuyển: Bất hợp lý

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Đại diện nhiều trường cho rằng việc kéo dài thời gian xét tuyển ĐH, CĐ không có hiệu quả, nhiều trường vẫn phải đóng cửa nhiều ngành học vì không có sinh viên.
Từ khi áp dụng tuyển sinh theo “ba chung”, năm nay là năm đầu tiên các trường được phép kéo dài thời hạn nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đến tận ngày 31-11 theo quy chế tuyển sinh năm 2012. Dù vẫn còn 4 ngày nữa mới đến hạn chót nhưng từ khá lâu, các trường gần như đã hoàn tất công tác tuyển sinh do vắng bóng thí sinh (TS) đến nộp hồ sơ.
Được ưu tiên vẫn vắng
Là một trong những trường kéo dài thời hạn tuyển sinh nhưng đến cuối tháng 11, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chỉ tuyển được khoảng 70% so với chỉ tiêu. Đại diện ban tuyển sinh của trường cho biết dù kéo dài thời gian xét tuyển nhưng việc tuyển sinh vẫn không khá hơn mọi năm. Hầu hết TS nộp hồ sơ xét tuyển và nhập học vào trường là từ thời gian đầu của đợt tuyển, càng về sau càng ít TS và có ngày không có hồ sơ nào đăng ký xét tuyển.
 
Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Truờng Ðại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM
Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều trường ĐH, đặc biệt là các trường địa phương, dù kéo dài thời gian xét tuyển nhưng vẫn rơi vào cảnh sống dở chết dở do không tuyển được TS. Đáng buồn nhất có lẽ là Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) khi chỉ tuyển được chưa đến 50 TS. Ông Hoàng Trọng Hưng, Trưởng Phòng Tuyển sinh Trường ĐH Phan Châu Trinh, cho biết do quá ít TS nên trường chỉ duy trì đào tạo ngành ngoại ngữ, còn các ngành khác năm nay phải tạm ngưng đào tạo. Trường ĐH Yersin Đà Lạt chỉ tuyển được 200 sinh viên (ĐH 110 sinh viên, CĐ 65 sinh viên), trong khi chỉ tiêu tuyển là 1.000. Với số lượng sinh viên ít ỏi này, nhiều khả năng trường phải tạm ngưng một số ngành học.
Các trường kéo dài thời gian xét tuyển đến thời điểm này đều là các trường ngoài công lập, đặc biệt là các trường ngoài công lập khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc được áp dụng quy định ưu tiên cho phép tuyển TS dưới điểm sàn và ưu tiên xét tuyển thẳng cho TS ở 20 huyện, thị xã khu vực Tây Nam Bộ theo công văn số 6477 của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, thực tế, quy định này cũng không giúp được các trường tuyển thêm được bao nhiêu. Tại Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, theo thống kê đến cuối đợt chỉ tuyển được khoảng 60% so với chỉ tiêu, trong đó số TS được ưu tiên xét tuyển chưa đến 100. Tại Trường ĐH Tây Đô, tổng cộng có 1.470 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong đó chỉ có 140 hồ sơ dưới điểm sàn và 50 hồ sơ xét tuyển thẳng. Trường ĐH Yersin Đà Lạt cũng chỉ “vớt” được thêm 25 TS theo diện ưu tiên.
Bất cập trong đào tạo
Đại diện nhiều trường cho rằng việc bộ cho phép kéo dài thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung không những không có tác dụng mà còn gây ra vô số điều bất hợp lý. Ông Lê Văn Toàn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bà Rịa  – Vũng Tàu, cho rằng việc tuyển sinh gần như đã ngã ngũ từ khá lâu, hầu hết TS đã tìm được nơi học, thế nên có kéo dài thời gian cũng không tuyển thêm được.  Vì vậy, trường đã kết thúc xét tuyển từ ngày 15-10. Ông Toàn cho rằng việc kéo dài thời gian xét tuyển thành nhiều đợt khiến các trường khó khăn trong việc bố trí lớp học khi sinh viên nhập học đợt sau phải học theo sinh viên nhập học đợt trước, thậm chí phải bố trí dạy tăng cường, rất vất vả.
Ông Lê Duy Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cũng cho rằng việc kéo dài thời gian xét tuyển đến cuối tháng 11 là bất hợp lý vì nay đã gần hết học kỳ I, nếu TS nhập học đợt này sẽ thực sự khó cho các em và khó cho trường, bởi dù học theo tín chỉ nhưng trường không thể tổ chức đào tạo riêng cho TS nhập học đợt sau. Lường trước khó khăn này, trường cũng đã dừng tuyển sinh từ tháng 10 để ổn định công tác đào tạo.
Ông Hoàng Trọng Hưng cho rằng việc kéo dài thời gian xét tuyển gây khó khăn nhiều cho các trường ngoài công lập, bởi tâm lý của TS là ngóng chờ trường công lập hạ điểm chuẩn để nộp hồ sơ. Và thực tế năm nay, do được kéo dài thời gian xét tuyển nên nhiều trường công lập đã hạ điểm chuẩn và xét tuyển kéo dài, khiến cho trường ngoài công lập chới với khi nhiều TS rút hồ sơ. Ông Lê Duy Bảo cũng nhận định việc TS rút hồ sơ để nộp vào trường công lập hoặc trường ở các TP lớn gây lỗ hổng lớn cho các trường địa phương, riêng Trường ĐH Duy Tân đã phải giải quyết hơn 100 trường hợp rút hồ sơ…
 Đại diện nhiều trường cho rằng việc bộ cho phép kéo dài thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung không những không có tác dụng mà còn gây ra vô số điều bất hợp lý.

 Theo NLD

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)