Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Kết cục sẽ tồi tệ nếu học ngành không hợp

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

ThS. Trần Đình Lý đang tư vấn chọn ngành nghề cho học sinh
Điều băn khoăn của không ít học sinh lớp 12 ở thời điểm này là không biết chọn ngành, nghề nào cho phù hợp với khả năng và sở thích của mình mà lại dễ đậu. Để phần nào “giải tỏa” những thắc mắc của thí sinh, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ThS. Trần Đình Lý – một chuyên gia tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ (hiện là Trưởng phòng Công tác sinh viên – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nông lâm TP.HCM).
PV: Thưa ông, rất nhiều thí sinh băn khoăn: Khi chọn nghề, nên chọn ngành có khả năng thi đậu hay ngành mình yêu thích?
– ThS. Trần Đình Lý: Nếu chọn được ngành vừa yêu thích (mục tiêu) vừa có khả năng thi đậu (điều kiện) thì quá tuyệt vời. Nếu chọn một trong hai điều này thì quả là phải cân nhắc. Thi để dễ đậu là một việc, nhưng đậu rồi học ra sao và để làm gì là chuyện khác. Học ngành không phù hợp với bản thân thì kết cục sẽ rất tồi tệ: Chán nản, học hoài thi không đậu, nếu có đậu thì cũng chưa chắc đã gắn với nghề, lãng phí ghê gớm… Cần hiểu rõ mối quan hệ giữa “ngành” và “nghề”. Bất cứ ngành học nào cũng có thể giúp bạn chuẩn bị cho một số nghề nghiệp khác nhau. Do đó, cũng không nên quá lo lắng về một nghề nào đó để tìm ra một ngành học phù hợp và cần nhìn thoáng hơn khi chọn ngành học. Như vậy cái gốc của vấn đề này là làm sao để gắn bó suốt cuộc đời mình với cái mình yêu thích và đúng với năng lực, sở trường của mình.
Điều đó có nghĩa là việc chọn ngành cần đi theo năng khiếu và sở thích của mình?
– Đúng vậy, nếu việc chọn lựa xuất phát từ sở thích, nguyện vọng của bản thân thì sẽ bền vững hơn. Việc chọn ngành không phù hợp ảnh hưởng rất lớn (theo hướng tiêu cực) đối với việc học hành và công việc của các thí sinh sau này. Hướng nghiệp là vấn đề lớn và đi trước một bước. “Hướng nghiệp và tuyển sinh, tuy 2 mà là 1”. Thi vào ngành nghề nào? Trường nào? Ở đâu? Có thể nói là có nhiều tiêu thức lựa chọn. Tuy nhiên, xuất phát điểm của thí sinh khi chuẩn bị vào ngưỡng cửa ĐH, CĐ, THCN… phải là sở thích, sở trường, năng khiếu. Tiếp theo là phải cân nhắc nhu cầu việc làm của ngành này? Nếu xác định được sẽ có ý nghĩa đối với cả cuộc đời, lâu dài… hơn là tìm câu trả lời cho câu hỏi “Thi trường nào, ngành nào để dễ đậu?”. Đậu rồi nhưng chỉ là sự trú chân tạm bợ, học ngành đó nhưng trong đầu lại không một chút tâm huyết gì với ngành nghề đó thì quả là một tai vạ lớn, cần thay đổi ngay vì… không có sự bắt đầu nào là muộn cả!Trong trường phổ thông, hướng nghiệp giúp học sinh tìm được việc, hình thành nhân cách nghề nghiệp, thích ứng với nghề nghiệp, tư vấn và dịch vụ việc làm.
Ông có thể cho biết, trong những năm tới nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM và trong khu vực sẽ tập trung vào nhóm ngành, nghề nào?
– Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), thị trường lao động khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, chủ lực là TP.HCM với nhu cầu nhân lực nhiều ngày càng yêu cầu cao về số lượng và chất lượng trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong giai đoạn 2011-2015, với tốc độ tăng bình quân về chỗ làm việc từ 3% đến 3,5%/năm, TP.HCM sẽ có nhu cầu chung về nhân lực là 280.000 đến 300.000 chỗ làm việc/ năm. Những nhóm ngành, nghề có nhu cầu lực lượng lao động nhiều, chiếm tỷ lệ trên 80% tổng nhu cầu nhân lực tại thành phố như: Quản lý kinh tế, kinh doanh, quản lý chất lượng, du lịch, nhà hàng – khách sạn, bán hàng, marketing, nhân viên kinh doanh, dịch vụ và phục vụ, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, tư vấn, bảo hiểm, pháp lý, luật, nghiên cứu, khoa học, quản lý nhân sự, tổ chức, hành chánh văn phòng, giáo dục, đào tạo, thư viện, ngoại ngữ, biên phiên dịch, xây dựng, kiến trúc, công nghệ thông tin, viễn thông, truyền thông, cơ khí, sửa chữa ô tô, xe máy, điện, điện tử, điện công nghiệp, điện lạnh, giao thông – vận tải, thủy lợi, cầu đường, dầu khí…
Vậy ông có thể đưa ra lời khuyên dành cho thí sinh (cũng như phụ huynh) đang đứng trước cơ hội chọn lựa ngành, nghề trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay?
 – Theo tôi, vấn đề chọn ngành, nghề bao gồm nhiều yếu tố mà người học cũng như gia đình cần hết sức lưu ý: Tìm hiểu năng lực bản thân, công việc đang quan tâm, khả năng điều kiện theo học, tìm hiểu thị trường lao động, nhà trường, cơ sở đào tạo để biết nhu cầu việc làm, điều kiện việc làm, ngành nghề đào tạo, chú trọng tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để chọn lựa và lượng sức mình. Nếu cảm thấy chưa yên tâm về việc lựa chọn ngành học, việc làm của bản thân thì nên tìm đến các nhà tư vấn; các tổ chức hỗ trợ sinh viên học sinh, tổ chức tư vấn đào tạo – giới thiệu việc làm…
Như vậy người quyết định vẫn là thí sinh?
– Sau khi nhận được lời khuyên, quyết định là của thí sinh, và chính thí sinh chứ không phải ai khác sẽ chịu trách nhiệm về sự nghiệp và cuộc đời của mình. Tuy nhiên, việc chọn nghề vừa phải đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội: Những nghề cần thiết (lâu dài) trong xã hội, phù hợp với sở thích, sở trường, sức khỏe và đồng thời phải thích nghi với hoàn cảnh kinh tế của mình. Từ những lời khuyên chân tình của người khác (gia đình, họ hàng và bạn bè…) có thể là những người giúp đỡ tuyệt vời nhất nhưng cũng rất có thể, đó là những người gây “rắc rối khủng khiếp” nhất cho quyết định chọn lựa nghề nghiệp của thí sinh. Hãy quan tâm đến lĩnh vực mà mình yêu thích, có khả năng chứ không được bắt chước một cách máy móc.
Có nghĩa là những ý kiến khác (gia đình, thầy cô, bạn bè) chỉ là tham khảo?
– Cũng cần phải nói thêm, sự góp ý của gia đình trong nhiều trường hợp lại rất chính xác vì cha mẹ là người nhiều kinh nghiệm hơn lại hiểu rõ năng lực và những yếu kém của bạn. Đặc biệt, khi đã có cơ sở hoạt động nghề tại gia đình, nhiều bạn trẻ đã “non dạ” từ chối làm việc ngay cho nhà, thích bay nhảy bên ngoài nên chọn học theo những ngành nghề hoàn toàn không liên quan đến nghề nghiệp gia đình có sẵn. Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp hay bất cứ ai khác đều không thể khẳng định nghề nghiệp nào thì phù hợp với thí sinh nhất. Họ chỉ có thể đưa ra cho thí sinh lời khuyên, sự chỉ dẫn cơ bản nhất trong việc lựa chọn nghề nghiệp và phần nào giúp quá trình quyết định lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh trở nên dễ dàng hơn. Cũng có thể cố gắng làm thử nhiều công việc khác nhau. Thí sinh càng hiểu rõ thêm công việc nào sẽ phù hợp với mình mang tính chất bền vững. Khi đã có kinh nghiệm từ nhiều lĩnh vực khác nhau, cách nhìn vấn đề của mình sẽ đa dạng hơn.
Xin cảm ơn ông.
Phan Ngọc Quang (thực hiện)

“Học ngành không phù hợp với bản thân thì kết cục sẽ rất tồi tệ: Chán nản, học hoài thi không đậu, nếu có đậu thì cũng chưa chắc đã gắn với nghề, lãng phí ghê gớm…” – ông Lý nói

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)