Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kết nối tài hoa

Tạp Chí Giáo Dục

Gặp lại nhà thơ “thần đồng” Hoàng Hiếu Nhân

Hoàng Hiếu Nhân (bên trái) với tác giả

Hoàng Hiếu Nhân sinh năm 1960 tại Quảng Bình. Vốn thông minh từ bé, anh đã bỏ qua các lớp: một, hai, ba, vào thẳng lớp bốn trường làng khi mới vừa tám tuổi. Anh biết làm thơ trước khi cắp sách đến trường, thơ của anh đăng đều trên các báo Nhân Dân, Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội, Tiền Phong, Thiếu Niên Tiền Phong từ 1967- 1970. Đặc biệt là năm 1970, anh đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ do Báo Thiếu Niên Tiền Phong tổ chức (cùng với Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hồng Kiên). Nhiều bài thơ trong tập Giọt sương của anh được các nhạc sĩ phổ nhạc.
PV: Anh lí giải thế nào về việc “khôn trước tuổi” của mình trước đây?
Có lẽ là do hoàn cảnh chiến tranh. Trong bài Bọn trẻ quê em, tôi đã viết: “… Anh bảo chúng em: “Khôn trước tuổi”/ Chỉ vì cái cần nhớ trước thì nhớ trước/ Cái gì chưa thật cần thì tạm nhớ sau…” hoặc “Cha ơi cha cứ yên tâm/ Con cũng biết thế nào là đánh Mĩ”. Khi đọc những vần thơ này, nhà thơ Tố Hữu đã viết: Ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi người dân Việt Nam, ngay một em bé cũng biết thế nào là đánh Mĩ (cười).
Mang trong mình dòng máu văn chương của người cha, nhưng lớn lên anh lại không theo nghiệp này?
Cha tôi là ông giáo dạy toán, say thơ, Truyện Kiều và làm câu đối. Cô chú tôi ai cũng biết làm thơ, nhà nào cũng có một vài người là hội viên Hội văn học nghệ thuật ở các tỉnh. Nhà văn Hoàng Bình Trọng, chú tôi suốt một đời “chết vì thơ”. Yêu thơ văn nhưng sau khi học xong Đại học Bách khoa, tôi vào làm việc ở Nhà máy dệt Phú Xuân. Năm 1988, tôi được cử làm Bí thư chi bộ của một đội công nhân, hơn một trăm người sang xuất khẩu lao động bên Nga và lập gia đình bên ấy. Sau một lần về nước, tôi “thay đổi tư duy” xoay sang nghề buôn bán. Khi nhà thơ Trần Đăng Khoa đến tìm tôi ở Nga, lúc đó tôi đang bận rộn với quầy vải, ngoài chợ.  
Nghe nói lúc Trần Đăng Khoa đến, thấy một con dao bầu cắm trước cửa nhà anh?
Đâu có! “Thằng” Khoa cắm con dao trước cửa nhà tôi thì có. Nó đến, tôi đi vắng. Đến lượt tôi sang Nga tìm thì lại không gặp nó. Lúc sáng tôi và nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa gọi điện hỏi tội nó đấy. Ờ! Mà sống bên ấy cũng phải thế thật. Cậu biết vụ bọn đầu gấu sát hại sinh viên Việt Nam ở Nga rồi chứ. Đấu tranh để sinh tồn, tôi cũng đã choảng nhau mấy trận, sưng vều cả mặt mày, rách da đầu, bị khâu mấy mũi.
Anh sang bên ấy có viết lách gì nữa không. Bài thơ cuối cùng của anh là năm nào?
Bên ấy ngày nào tôi cũng viết. Tôi viết những con số khô khan và đêm đêm về đếm tiền cùng vợ. Còn thơ… tôi nhớ lại cái đã. Hình như bài cuối cùng là Đất. Năm 1971, năm cuối cùng của cấp hai, tôi không còn làm thơ trẻ con được nữa, thế là đành gác bút. Thế thôi. Mặc dù lúc ấy tôi mới mười một tuổi. Mà hình như cũng chỉ có Trần Đăng Khoa là còn sống được với thơ đến bây giờ. Còn tôi, Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên, Chu Hồng Quý… cũng đều “chết yểu” cả.
Bây giờ đọc lại các bài thơ tái bản của anh, trong tập Giọt sương thấy có nhiều sửa đổi. Chẳng hạn trước đây: Vườn cây chúng em. Nối vườn các cụ. Cây già vẫy tay. Gọi mầm non nhú. Bây giờ là: Vườn cây chúng em. Bên vườn các cụ… Có phải anh chữa lại không?
Ai chữa thế nhỉ? Bên vườn các cụ thì còn nói làm gì. Các cụ là những người lớp trước, chúng mình là lớp nối tiếp. Chúng ta đi trồng cây là đi ươm mầm non cho đất nước. Nói nghiêm túc, lần này về nước, tôi đang suy nghĩ nên viết cái gì thì cậu đến. Thôi nhé, ta nói sang chuyện khác. Hai tháng về chơi, uống cái đã, sang bên ấy viết được gì tôi sẽ báo cậu sau…
Hoàng Minh Đức
(Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình)

 

Bình luận (0)