Một số trường ĐH công bố kết quả phân tích tình hình học tập của sinh viên xét tuyển theo từng phương thức. Đáng chú ý, một số trường cho biết sinh viên trúng tuyển bằng xét học bạ có kết quả học tập tương đương hoặc tốt hơn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo kết quả phân tích tình hình học tập của sinh viên (SV) một số trường ĐH, SV trúng tuyển bằng phương thức xét kết quả học tập THPT (còn gọi xét học bạ) giỏi hơn SV trúng tuyển bằng phương thức khác. Điều này được thể hiện cụ thể bằng điểm trung bình chung tích lũy của SV qua các năm học.
Chẳng hạn, theo kết quả phân tích điểm trung bình tích lũy của hơn 10.000 SV trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong 3 năm gần nhất (2021, 2022, 2023), SV trúng tuyển bằng học bạ có kết quả học tập khả quan. Cụ thể, trong hai năm 2021 và 2022, trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển gồm: tuyển thẳng, xét kết quả học tập THPT và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đến năm 2023, trường bổ sung phương thức xét tuyển mới kết hợp kết quả học tập THPT với điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tự tổ chức.
Xét tuyển dựa vào học bạ là một trong những phương thức tuyển sinh chủ đạo của nhiều trường ĐH hiện nay. ĐÀO NGỌC THẠCH
Với khóa trúng tuyển năm 2020, điểm trung bình tích lũy của SV phương thức tuyển thẳng ở mức 3,31/4; kết quả học tập THPT 3,19/4 và điểm thi tốt nghiệp THPT 2,94/4. Khóa 2021, điểm trung bình tích lũy các phương thức trên lần lượt như sau: 3,34/4; 3,22/4; 3,06/4. Khóa trúng tuyển 2023, điểm trung bình phương thức tuyển thẳng 3,22/4; xét kết quả học bạ THPT 2,96/4; xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2,85/4; kết hợp điểm học tập THPT và điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đạt 3,22/4.
Từ dữ liệu trên, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết kết quả học tập của SV được xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả học tập THPT đều cao hơn so với phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT; nhưng thấp hơn so với nhóm phương thức tuyển thẳng (bao gồm cả tuyển thẳng theo tiêu chí Bộ GD-ĐT và ưu tiên xét tuyển của trường).
Tương đương các phương thức khác
Tại một số trường ĐH khác, dữ liệu được thống kê trên hàng ngàn SV cũng cho thấy có sự tương đương kết quả học tập giữa hai phương thức. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM vừa phân tích đối sánh kết quả học tập của SV theo 4 phương thức tuyển sinh: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT, điểm thi đánh giá năng lực và ưu tiên xét tuyển. Dựa trên thang điểm 4, trường thống kê tỷ lệ SV đạt được từng phổ điểm theo các phương thức. Từ dữ liệu đó, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết kết quả cho thấy quá trình học tập của SV theo hai phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và bằng kết quả học tập THPT ở mức tương đương. Hai phương thức xét bằng thi đánh giá năng lực và ưu tiên xét tuyển có năng lực nhỉnh hơn.
Mới đây, Trường ĐH Công thương TP.HCM cũng công bố thống kê kết quả xếp loại tốt nghiệp SV theo phương thức tuyển sinh từ năm 2019 – 2023. Theo đó, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ SV xếp loại xuất sắc đạt 0,21%; giỏi 6,56%; khá 69,24% và trung bình 23,98%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT gồm: xuất sắc đạt 0,24%; giỏi 5,44%; khá 65,12% và trung bình 29,2%. Như vậy, kết quả học tập của SV xét bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ tương đương SV tuyển bằng phương thức xét học bạ.
Các trường ĐH sử dụng nhiều hình thức xét tuyển học bạ. ĐÀO NGỌC THẠCH
Tỷ lệ sinh viên bỏ học giữa các trường
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh thuộc danh sách 149 trường THPT theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM có sử dụng điểm học bạ làm một căn cứ đánh giá. Qua việc chạy điểm ngẫu nhiên kết quả học tập của nhóm SV này, trường nhận thấy hầu hết đạt từ mức khá trở lên và tình trạng bỏ học giữa chừng rất ít.
Trong khi đó, có những trường kết quả phân tích lại cho thấy tình trạng ngược lại. Theo kết quả thống kê của một trường ĐH công lập địa phương, có đến 20% SV (tương đương hơn 1.000 em) xếp loại yếu kém có đầu vào từ phương thức xét kết quả học bạ. Các SV này nghỉ học hoặc bị buộc thôi học do kết quả học tập yếu kém trong 1 – 2 học kỳ đầu.
Phụ thuộc kết quả tuyển sinh đầu vào
Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, kết quả học tập của SV bậc ĐH sẽ phụ thuộc rất lớn kết quả xét tuyển đầu vào. Dù sử dụng phương thức xét tuyển nào nhưng nếu tuyển được nhóm thí sinh có năng lực học tập khá giỏi thực sự thì kết quả học tập bậc ĐH cũng sẽ tương đương. Do đó, ngay phương thức xét học bạ, nếu xét tuyển nhóm thí sinh thuộc tốp khá giỏi, năng lực học tập đã được khẳng định suốt 3 năm bậc THPT thì khi lên bậc ĐH cũng sẽ có kết quả tốt.
Dù kết quả phân tích cho thấy sự tương tự năng lực học tập giữa SV xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp, nhưng thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, nhìn nhận đây cũng chỉ là trường hợp cụ thể tại một trường ĐH. Ông Sơn cho rằng kết quả trên có thể sẽ khác so với các trường khác. Điều này một mặt do cách thức tính điểm cụ thể của phương thức xét học bạ, mặt bằng điểm chuẩn từng ngành. Mặt khác, ngoài yếu tố tuyển sinh đầu vào thì kết quả học tập của SV còn phụ thuộc vào quá trình đào tạo tại trường đó. Theo cách thức xét tuyển của Trường ĐH Công thương TP.HCM các năm qua, phương thức xét học bạ dựa vào điểm 5 học kỳ đầu bậc THPT của học sinh, điểm chuẩn dao động ở mức từ 22 – 27; điểm chuẩn phương thức thi tốt nghiệp THPT trong khoảng từ 18 – 25.
Đại diện trường ĐH có thống kê cho thấy nhiều SV trúng tuyển bằng học bạ có kết quả học tập yếu kém đã rút ra nguyên nhân là phương thức xét bằng học bạ chỉ dựa trên điểm 3 môn của kết quả lớp 12. Trong đó, có những học sinh tổ hợp xét tuyển bằng học bạ 3 môn đạt 25 điểm nhưng thi tốt nghiệp THPT tương ứng chỉ 8 – 10 điểm (tức chênh lệch nhau tới 17 điểm). Kết quả học tập của SV này sau hai học kỳ đầu tại trường ĐH chỉ đạt mức trung bình.
Nhiều cách thức xét tuyển học bạ Hiện nay, xét học bạ trở thành một phương thức tuyển sinh chủ đạo của nhiều trường ĐH. Nhưng trong vài năm trở lại đây, các trường ĐH đã vận dụng nhiều hình thức xét tuyển khác nhau căn cứ vào điểm học bạ của học sinh. Có trường chỉ sử dụng một phương thức, nhưng có trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét học bạ. Cụ thể như: xét điểm trung bình chung 6 học kỳ THPT, điểm trung bình chung 3 học kỳ, điểm trung bình 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong 6 học kỳ, điểm trung bình 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong 3 học kỳ, thậm chí điểm trung bình chung 3 môn theo tổ hợp xét tuyển riêng năm lớp 12… Nhiều trường chỉ sử dụng kết quả học tập THPT làm một tiêu chí để xét tuyển. Khi đó, điểm học bạ được sử dụng kết hợp với các tiêu chí khác tùy quy định từng trường như: kỳ thi riêng, chứng chỉ quốc tế… |
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)