Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kết quả kiểm định 20 trường ĐH top trên: Nhiều tiêu chí không đạt được

Tạp Chí Giáo Dục

Từ tháng 11-2006 đến tháng 6-2007, Bộ GD-ĐT phối hợp với Cơ quan Giáo dục ĐH chuyên ngành của Hà Lan và Cơ quan Khảo thí của Hoa Kỳ (ETS) tiến hành đánh giá ngoài 20 trường ĐH. Trong dự thảo báo cáo trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký, kết quả cho thấy, mặc dù phần lớn các trường được lựa chọn tham gia kiểm định thí điểm là những trường thuộc “top trên” của Việt Nam nhưng bên cạnh những ưu điểm còn rất nhiều khuyết điểm, vẫn còn một số tiêu chí các trường chưa đạt được.
Sinh viên không hài lòng
Báo cáo nêu rõ, chương trình đào tạo của hầu hết các trường đều tuân thủ chương trình khung của bộ. Một số trường đã công bố công khai chương trình đào tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng như website của trường, nhưng vẫn còn một số trường chưa làm được điều này. Tuy nhiên, một số kết quả đánh giá cho thấy, nhiều trường còn triển khai đào tạo trong tình trạng thiếu giáo trình, tài liệu tham khảo cho nhiều môn học. Bên cạnh đó, trong quá trình điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo, hầu hết các trường ĐH chưa tham khảo đầy đủ và chưa định kỳ lấy ý kiến phản hồi từ các cựu sinh viên, các nhà tuyển dụng và các đối tượng liên quan để xác định mức độ chương trình đào tạo của nhà trường đáp ứng các nhu cầu xã hội. Các trường mới chỉ đạt 50% yêu cầu của tiêu chí này. Các chuyên gia kiểm định cho rằng đây là một yêu cầu quá khó đối với các trường ĐH ở nước ta hiện nay, ít trường đạt được. Điều này cũng cho thấy vì sao giáo dục ĐH của nước ta không theo kịp yêu cầu của xã hội khi các trường chưa đáp ứng được các yêu cầu liên quan đến chương trình đào tạo. Thậm chí, có 3/20 trường ĐH mới chỉ đạt 50-60% yêu cầu của các tiêu chí để đánh giá chương trình đào tạo của trường.
Về hoạt động đào tạo của các trường, báo cáo cho rằng: đổi mới phương pháp giảng dạy và học là yêu cầu cấp bách đối với các trường ĐH. Nhiều trường ĐH đã quan tâm tới việc này nhưng vẫn chưa làm thay đổi được thực trạng chung, vẫn còn hiện tượng đọc – chép. Kết quả đánh giá cũng cho thấy: chỉ duy nhất 1/20 trường được công nhận là “Tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ đi vào ổn định” (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM); chỉ 8 trường được công nhận là “thông qua đồng nghiệp và người học, định kỳ đánh giá hiệu quả các phương pháp giảng dạy…”. Vấn đề đặc biệt cần lưu ý là sự hài lòng của SV về chất lượng dạy trong các trường, mặc dù tất cả 20 trường đã tổ chức nhiều hoạt động cải tiến chất lượng giảng dạy nhưng kết quả khảo sát khẳng định SV không hài lòng với chất lượng giảng dạy của trường. Điều này được các trường lý giải do tình trạng quá tải về số lượng SV trong các lớp tại các trường ĐH hiện nay, giáo trình không đủ về số lượng, chủng loại và không được cập nhật, giảng viên ít nghiên cứu khoa học nên kiến thức không sâu và thiếu cập nhật.
Cơ sở vật chất vẫn là bài toán khó
Theo bản báo cáo, thư viện, phòng thực hành, thí nghiệm và trang thiết bị là những khó khăn lớn cho các trường ĐH mặc dù đã có nhiều cố gắng khắc phục. Các trường hầu như không đảm bảo đủ diện tích lớp học theo quy định cho việc dạy và học như đã quy định trong tiêu chuẩn về thiết kế trường học. Ký túc xá cho người học và sân bãi cho các hoạt động văn hóa, thể thao chỉ mới đáp ứng được phần nào các yêu cầu chung. Về tiêu chí này, có 15 trường đạt 50% yêu cầu, chỉ có 4 trường đạt 100% và có 1 trường không đạt. Thực trạng thư viện của các trường ĐH, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ thông tin tại thư viện của các trường, việc sử dụng tài liệu sách báo và tài liệu điện tử vẫn là những tồn tại lớn của hầu hết các thư viện trong các trường. Bản báo cáo cho rằng, thực trạng phát triển hệ thống cơ sở vật chất và việc khai thác sử dụng các phương tiện kỹ thuật cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH cần được xem xét lại, tương tự như tình trạng thiếu hụt ngân sách, thiếu quy hoạch sử dụng cơ sở vật chất và kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kỹ thuật.
Một trong những vấn đề nổi cộm của hầu hết các trường trong tiêu chí cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên đó hầu hết các trường ĐH đều không có kế hoạch ngắn hạn phát triển nguồn nhân lực đối với đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Tải trọng giảng dạy của các giảng viên quá lớn tạo thành cản trở cho quá trình phát triển chuyên môn của họ. Nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài nhưng vẫn chưa phát huy hết khả năng và vai trò của mình trong việc góp phần điều chỉnh và cải cách chương trình đào tạo theo hướng hiện đại hóa, quốc tế hóa. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ của phần lớn giảng viên và sinh viên (SV) tốt nghiệp ĐH hiện nay còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu giao tiếp và đọc tài liệu nghiên cứu.
Việc liên kết đào tạo vẫn còn một số tồn tại như: công tác quản lý chưa có những quy định chặt chẽ nên các liên kết đào tạo chạy theo số lượng, dẫn đến chất lượng của một số chương trình liên kết chưa đạt yêu cầu về chuẩn mực đào tạo. Cá biệt, có chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ nước ngoài nhưng giảng dạy bằng tiếng Việt và chỉ học trong vòng 10 tháng.
20 trường được đánh giá ngoài đợt 1 gồm: ĐH KHXH-NV, ĐH QG Hà Nội; ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Nông nghiệp 1; ĐH Thương mại; ĐH Ngoại thương; ĐH Bách khoa, ĐH QG TP.HCM; ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM; ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM; ĐH dân lập Văn Lang; ĐH Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên); ĐH Hàng hải; ĐH DL Hải Phòng; ĐH Vinh; ĐH Sư phạm (ĐH Huế); ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng); ĐH Nha Trang; ĐH Đà Lạt, ĐH Cần Thơ.
 
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)