Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kết quả thi tốt nghiệp ở 11 tỉnh ĐBSCL: Liệu có chấm lại bài thi của thí sinh?

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh ở TP.Cần Thơ làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Ảnh: B.N
Trước thông tin về việc các chuyên viên bộ môn ngữ văn của 11 sở GD-ĐT các tỉnh ĐBSCL đã có cuộc họp vào ngày 5-6 tại TP.Cần Thơ, ra “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn ngữ văn” có thực sự nới lỏng tay hay không? Và liệu có chấm lại bài thi của thí sinh hay không? Nhiều thí sinh không khỏi băn khoăn với kết quả thi tốt nghiệp của mình. Chiều 20-6, PV Báo Giáo Dục TP.HCM đã trao đổi với lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Cục trưởng Bùi Anh Tuấn khuyên rằng: Thí sinh không có gì phải hoang mang.
Quay trở lại vụ việc đang được dư luận quan tâm, trước đó, trên Báo Người Lao Động có đăng tải bài viết của một giáo viên dạy văn tại Trường THPT chuyên Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang. Nhưng điều đáng nói ở chỗ, tỉnh Tiền Giang không tham gia vào cuộc họp này và giáo viên này tất nhiên là không có mặt tại phiên họp đó. Sở dĩ giáo viên có được biên bản này là do một người bạn cho.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trao đổi với báo chí đã cho biết khi các tỉnh ĐBSCL có công văn xin họp để thống nhất phương án chấm thi chung, Bộ GD-ĐT đã có công văn số 360 đồng ý. Nhưng đó chỉ là đồng ý cho phép các tỉnh họp để thống nhất phương án chấm, bám sát đáp án và hướng dẫn chấm thi chung của Bộ GD-ĐT đã ban hành chứ không phải cho phép các tỉnh thống nhất một đáp án chấm thi khác. Hiện Bộ GD-ĐT đã đề nghị 11 sở GD-ĐT tham gia cuộc họp trên phải gửi báo cáo và biên bản cuộc họp thống nhất về Bộ GD-ĐT. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là nếu các sở, cá nhân vi phạm quy chế thi và hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT thì sẽ phải xử lý nghiêm khắc. Về việc có hay không việc chấm lại bài thi của thí sinh 11 tỉnh ĐBSCL, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ có quyết định sau khi kiểm tra rõ sự việc trên.
Thí sinh không có gì phải hoang mang
Trước vấn đề này, chiều 20-6, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM.
PV: Thưa ông, bộ đã nhận được văn bản báo cáo của 11 tỉnh ĐBSCL trước vụ việc này chưa?
– Chúng tôi đã gửi văn bản đến cho các sở nhưng vì vào hai ngày nghỉ cuối tuần nên chắc phải ngày 21 hoặc 22-6 chúng tôi mới nhận được văn bản của các sở gửi ra. Chúng tôi đã yêu cầu các tỉnh báo cáo về tất cả các nội dung liên quan đến hội đồng thi, việc chấm thi, sau đó sẽ kiểm tra xác minh, phân tích, đánh giá rồi mới kết luận.
Theo ông, việc tổ chức một cuộc họp để thống nhất hướng dẫn chấm thi của nhiều sở GD-ĐT với sự cho phép của bộ có phải là việc bình thường?
– Theo quy trình chấm thi, sau khi làm phách, các hội đồng sẽ thảo luận hướng dẫn chấm đối với các môn tự luận. Đầu tiên, chủ tịch hội đồng chấm phải nghiên cứu trước, sau đó tổ chức cho giám khảo thảo luận hướng dẫn chấm, tiếp theo đó là chấm chung công khai một số bài thi. Trong quá trình chấm thử mới phát hiện câu này, câu kia có vấn đề gì không, hướng dẫn chấm như thế đã chặt chẽ chưa…, nếu có vấn đề, sẽ báo cáo lên hội đồng chấm. Từ đó, hội đồng chấm sẽ báo cáo lên Cục Khảo thí, cục lại báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương. Ban Chỉ đạo sẽ yêu cầu tổ bộ môn ra đề của môn thi đó xem xét. Nếu các ý kiến phản ánh đúng cần sửa thì sẽ báo cáo lại Ban Chỉ đạoTrung ương để từ đó thông báo đến toàn bộ các hội đồng chấm thi. Bên cạnh đólại có thêm bộ phận thanh tra chấm thi làm việc độc lập với hội đồng chấm thi. Trong chấm thi, người có quyền cao nhất là giám khảo và không có ai có thể bắt ép giám khảo được. Trong khi đó nguyên tắc cao nhất của giám khảo là phải tuân thủ quy chế chấm thi. Mà theo điều 25 của quy chế chấm thi thì giám khảo phải dựa vào hướng dẫn chấm thi.
Thời gian diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã rất gần. Liệu với cách xử lý như hiện nay, các thí sinh có bị thiệt thòi gì không?
– Kết luận ngay bây giờ thì có thể nói là rất vội vàng. Không thể bảo hội đồng thi sai, cũng không thể bảo giám khảo sai. Như tôi đã nói, xử lý vụ việc này gồm có mấy bước, đầu tiên là thu thập thông tin, bộ đã yêu cầu các sở báo cáo rồi; sau đó là kiểm tra xác minh, phân tích, đánh giá rồi đi đến kết luận. Bây giờ mới đang ở bước đầu tiên là thu thập thông tin nhưng có thể nói bộ đang rất khẩn trương. Khi sự việc chưa được kết luận thì không nên gây hoang mang, nghi ngờ.
Từ khi tiến hành chấm chéo thì năm nào khu vực ĐBSCL cũng có “vấn đề”. Có hướng giải quyết nào cho khu vực này không?
– Sẽ không có giải pháp riêng cho khu vực này. Đổi mới phương pháp thi cử và đánh giá là cả một quá trình lâu dài. Chủ trương thi và học, học và thi đang làm từng bước một, làm sao thi tác động tốt tới việc học, học tác động đến thi.
Không chỉ môn văn mà các môn tự luận khác đều có biên bản thống nhất chấm thi. Một thực tế là với cách ra đề mở, điểm thi của thí sinh phụ thuộc vào khả năng thẩm định của giáo viên. Từ câu chuyện của ĐBSCL, liệu có khó khăn không khi chất lượng giáo viên không đồng đều?
– Tôi không cho là cách ra đề này vượt quá khả năng của giáo viên, có điều phương pháp đánh giá mới đưa vào thì phải thực hiện dần dần, đã quen với một cái gì đó thì không thể thay đổi được. Thi cử và đánh giá là cả một quá trình đi liền với nhau. Để làm được gì đó phải đào tạo đội ngũ, tập huấn giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất…
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)